Asus Eee PC 1225B
HotThông tin sản phẩm
Cấu Hình Chung
Eee PC là dòng sản phẩm netbook của Asus hướng đến thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng trong sử dụng và cảm giác trải nghiệm thú vị gói trong một mức giá không cao. Model 1225B mà VnReview đánh giá ở đây là một mẫu máy được Asus giới thiệu vào thời điểm cuối tháng 12/2011 (CES 2012 tại Las Vegas) như là bản nâng cấp, thay thế cho model 1215B đã ra mắt khoảng tháng 4/2011. Sản phẩm có 5 màu để lựa chọn: bạc, xám, đỏ, đen, trắng.
Cùng ra mắt với Eee PC 1225B là phiên bản Eee PC 1225C nhưng không sử dụng chip AMD mà sử dụng dòng chip Atom Cedar Trail của Intel (Atom N2600 tốc độ 1.6Ghz và Atom N2800 tốc độ 1.86 GHz), như một cơ hội để người dùng so sánh giữa hai dòng vi xử lý của AMD và Intel.
Khách hàng chọn Eee PC 1225B có một số lựa chọn cấu hình như: bộ xử lý APU E450 tốc độ 1.65GHz hoặc APU C60 xung nhịp 1GHz, khả năng đồ họa với AMD Radeon HD 6320 hoặc AMD Radeon HD 6290 hỗ trợ DirectX11, RAM DDR3 dung lượng 2 GB / 4 GB cũng như tùy chọn dung lượng ổ cứng lưu trữ 320 GB /500 GB /750 GB.
Phiên bản chúng tôi đánh giá có màu xám với cấu hình: bộ xử lý AMD E450 tốc độ 1.65GHz, đồ họa Radeon HD 6320, RAM DDR3 dung lượng 4 GB và ổ cứng 750 GB. Máy có giá bán lẻ khoảng 10 triệu đồng. Phiên bản cấu hình thấp hơn với chip AMD C60, 2 GB RAM và ổ cứng 320 GB có giá khoảng 8,1 triệu đồng.
Thiết kế
Asus Eee PC 1225B có lớp vỏ ngoài ở phần nắp máy không thật sự bắt mắt, chất liệu nhựa mờ cho tôi cảm giác giá rẻ, kém sang trọng. Điểm nhấn trên bề mặt vỏ ngoài máy là logo Asus sáng bóng như đa phần các mẫu máy khác của Asus. Vỏ ngoài của chiếc máy tương đối sạch sẽ vì khó bám bụi và ít bám vân tay. Nếu tay có nhiều mồ hôi đặt vào thì phần hơi nóng sẽ tản ra rất nhanh, chỉ khi nhìn kỹ mới thấy các vết loang nhẹ để lại trên bề mặt, các vết này có vẻ không dễ dàng lau sạch được. Các góc máy hơi uốn nhẹ vào trong một chút ở các cạnh chiều dọc.
Asus Eee PC 1225B được trang bị màn hình 11.6 inch, nhỏ hơn một chút so với màn hình 12.1 inch của model tiền nhiệm 1215B. Viền xung quanh màn hình được làm từ nhựa tạo các vết xước nhỏ theo chiều ngang nhìn rất giống với bề mặt nhôm xước như ở dòng máy K43E mà chúng tôi đã đánh giá. Các vết xước này tạo cho máy có cảm giác thiết kế tinh tế và trau chuốt hơn, đẹp hơn hẳn so với khi nhìn lớp vỏ ngoài.
Chính giữa viền cạnh trên của màn hình là một camera 0,3 mp. Với nhiều laptop, camera chỉ đơn thuần là một vòng tròn nhỏ bên trên cạnh đỉnh màn hình, ở Eee PC 1225B là một hình chữ nhật bao quanh bên ngoài, bên trên là một hình chữ nhật khác nhỏ hơn có gắn nắp che camera, được điều khiển bởi một nút gạt ngang. Nút gạt này nằm hết bên tay trái thì camera bị nắp che đóng lại, có một vạch nhỏ ở giữa để đánh dấu vị trí gạt, khi nút gạt được đưa về trùng vị trí này so với đường thẳng đánh dấu trên thân nút gạt thì camera được mở ra. Nếu tiếp tục gạt sang bên phải thì nút này có chức năng zoom hình ảnh từ 1x – 4x. Bật thử camera tôi thấy hình ảnh hiển thị khá đẹp mặc dù chỉ có độ phân giải 0.3mp.
Màn hình PC 1225B là loại màn gương, nghĩa là có bóng hình ảnh phản lại. Tuy nhiên với công nghệ LED Backlight WXGA tôi thấy màn hình không bị lóa khi ánh sáng đằng sau mạnh, so với nhiều loại máy khác. Độ phân giải màn hình là 1366x768px, thông số này vẫn giữ nguyên so với model tiền nhiệm 1215B nhưng độ lớn của màn hình nhỏ hơn nên cảm giác hình sáng nét hơn một chút. Tôi điều chỉnh độ sáng tăng lên hết cỡ và vẫn nhìn ở mức chấp nhận được với màn hình khi ra ngoài trời nắng. Bạn lưu ý là loại màn hình này dễ bám vân tay và tương đối khó lau sạch nếu không có giẻ và nước chuyên dụng.
Bàn phím của máy là dạng chiclet với các phím tách biệt nhau cùng với khoảng cách và độ rộng vừa đủ. Bàn phím được đặt trong khu vực thấp hơn một chút so với chiếu nghỉ tay và cạnh viền trên. Khi gõ các phím tỏ ra nhạy và êm tuy nhiên các phím hơi mỏng nên cảm giác gõ chưa thật đã tay. Dù vậy, so với tiền nhiệm 1215B thì các phím gõ mềm tay hơn nên thoải mái hơn khi gõ.
Trên bàn phím, các phím điều hướng lên xuống, trái phải ngoài chức năng thông thường còn được tích hợp thêm tính năng của các nút multimedia. Người sử dụng có thể chạy, dừng, tua, chuyển tiếp khi đang xem phim hoặc nghe nhạc với các phím này kết hợp với phím gọi tắt Fn. Các phím này có độ rộng lớn, thuận tiện và tránh gõ nhầm khi sử dụng.
Các phím để tăng giảm độ sáng màn hình, đưa máy vào chế độ ngủ, tắt bật Wi-Fi, tăng giảm âm lượng, tắt bật touchpad… vẫn được đặt kết hợp trên dãy phím F. Ngoài ra còn các phím đặc trưng riêng của Asus như: Fn + C, Fn + V để kích hoạt camera, Fn + backspace để kích hoạt chế độ quản lý điện năng. Ở phần trung tâm bàn phím hơi lệch về bên phải có tích hợp bàn phím số để sử dụng khi cần làm việc với bảng tính.
Bao quanh bàn phím là vỏ nhựa nhìn giống với lớp vỏ bề mặt bên ngoài của máy. Khu vực chiếu nghỉ tay thì bề mặt lại tương đối giống với bề mặt viền màn hình, đó là những vệt xước nhỏ nằm ngang tạo cảm giác sang trọng, các vết xước này có vẻ mỏng, đỡ gợn hơn so với viền màn hình. Phần chiếu nghỉ tay hơi hẹp, có lẽ do phần bàn phím gần như được bố trí ở giữa máy, trong khi phần trống phía trên bàn phím lại thừa ra vô ích. Phần đường viền xung quanh màn hình khá lớn khiến máy trông không gọn và nhẹ hơn dù máy có màn hình chỉ 11.6 inch. Chúng tôi cho rằng thiết kế như vậy chưa tối ưu về không gian của từng khu vực máy.
Touchpad của máy không lõm sâu xuống bề mặt như "thông thường" mà chỉ thấp hơn chút xíu. Ta có thể dễ dàng nhận ra bởi viền bao quanh touchpad là một viền nhỏ sáng bóng như kim loại, sờ vào có độ gợn vì thấp hơn bề mặt chiếu nghỉ tay một chút. Để cùng tông với thiết kế, touchpad có màu sáng hơn một chút so với màu khu vực chiếu nghỉ tay, các đường xước ngang tuy có thấy nhưng gần như được mài mịn.
Độ rộng cũng như độ nhạy của touchpad tôi nhận thấy là vừa đủ. Có điều hai phím chức năng của chuột trên touchpad chưa làm tôi hài lòng bởi vì nó được tích hợp liền luôn so với cả bề mặt của touchpad, chỉ được phân biệt ở một chút màu phun sần nhẹ bên dưới nên tạo cảm giác dùng chuột trái và phải không tin tay. Tôi thấy việc thiết kế như vậy làm giảm đi tính độc lập của chuột. Ví dụ thông thường ở các máy laptop, hai phím chuột được thiết kế tách biệt là hai phím riêng so với bề mặt touchpad, hai phím này cũng nhỏ nên bấm vào sẽ nhạy, nhưng hai phím chuột ở đây bị dính liền khiến cho việc bấm bị ảnh hưởng, thao tác click chuột không nhạy, nhất là khi cần click chuột phải.
Touchpad hỗ trợ đa chạm, khi duyệt web hoặc xem ảnh sử dụng hai ngón tay kéo vào để zoom xa hoặc hai ngón tay kéo ra để phóng to, đặt một ngón tay làm trục và ngón tay khác xoay quanh để xoay ảnh hoặc tài liệu khi xem.
Góc trên bên tay trái bàn phím có hai nút cứng đặt cạnh nhau. Khi máy đang hoạt động trong Windows, nút bên trái có chức năng gọi nhanh để thay đổi các chế độ sử dụng điện năng trong tính năng Super Hybrid Power. Nút này tương đương với việc bấm phím Fn + Backspace. Nút bên phải có tác dụng tắt bật nhanh Wi-Fi hoặc Bluetooth tương đương với phím Fn + F2. Khi máy ở chế độ tắt, nếu bấm nút bên phải thì máy sẽ khởi động vào chế độ cổng đám mây mở rộng (Express Gate Cloud) sau khoảng 5 giây. Chế độ này là một ứng dụng hệ điều hành nhẹ cho phép bạn thực hiện lướt web, xem ảnh, xem lịch, nghe nhạc, chơi game nhỏ, đọc dữ liệu… mà chưa cần khởi động vào hệ điều hành chính (Windows). Đây là một tính năng giải trí rất hay.
Một điểm trong thiết kế tôi cảm thấy mới mẻ ở Eee PC 1225B là hai viền cạnh máy được gắn một lớp kim loại sáng bóng, nhìn vào có cảm giác sang trọng và cứng cáp hơn.
Là một mẫu máy có giá tiền không cao, tuy nhiên Eee PC 1225B không những được trang bị đầy đủ các cổng kết nối cần thiết cơ bản mà còn có 2 cổng USB 3.0 bên cạnh trái với tốc độ truyền tải cao hơn 10 lần so với cổng USB 2.0 trên các máy thông thường. Hơn nữa máy còn được trang bị Bluetooth 3.0 cho tốc độ nhanh hơn Bluetooth 2.0 đến 8 lần.
Mặt sau máy với điểm đáng chú ý nhất là bề mặt lồi nơi đáy cục pin tạo độ dốc và khoảng cách cho máy so với mặt bàn, quá trình tản nhiệt sẽ tốt hơn. Sát cạnh trước của mặt sau máy là một dãy khe tản nhiệt, thấp thoáng bên trong có hai khoảng nhỏ với nhiều lỗ li ti là khe phát âm thanh. Chất lượng âm thanh của máy tôi sẽ nói đến ở mục sau.
Webcam và loa
Chiếc máy chúng tôi đánh giá là chiếc máy mới, được chúng tôi Recovery về trạng thái máy đã được cài Win 7 bản quyền cũng như driver của Asus. Máy có hỗ trợ tính năng Smart Camera, nhưng khi chúng tôi chạy phần mềm Smart Camera thì không thấy camera sáng đèn + bắt hình, phần mềm hiện khung nhỏ ở góc dưới bên phải màn hình. Dựa vào khung nhìn tôi đoán phần mềm này còn có chức năng nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên vì sao camera không bật hình lên thì tôi chưa tìm hiểu được. Tôi thử chạy một phần mềm camera khác đã được cài sẵn trong máy đó là ecamera, một khung hình hiện lên và tôi thấy chất lượng hình ảnh là khá tốt.
Với loa, tôi thử vào nghe nhạc trực tuyến thì thấy âm thanh max volume có vẻ không được to lắm, âm thanh nghe có nhiều echo, bass ít. Do bố trí khe phát âm thanh ngay dưới khu vực touchpad nên tôi luôn có cảm giác âm thanh phát ra đi thẳng vào người rồi mới đến hai tai, thay vì loa thiết kế gần hơn sang bên hai hông máy như các máy khác. Nói chung phần âm thanh của máy tôi đánh giá không cao như kỳ vọng ở thống số của nhà sản xuất.
Phụ kiện và bảo hành
Máy bán ra được cài sẵn hệ điều hành Windows 7 Home Premium 64 bit bản quyền. Đây là một điểm mạnh đối với một máy tính xách tay có giá 10 triệu đồng.
Tính năng
Khác với thông thường các netbook dùng chip Atom, EeePC 1225B được Asus sử dụng nền tảng Brazos mới nhất của AMD với bộ xử lý tăng tốc viết tắt là APU (Accelerated Processing Unit). APU là kết hợp của vi xử lí trung tâm (CPU) và bộ xử lý đồ họa (GPU) vào chung một con chip nên giúp cho việc xử lý dữ liệu tăng cao, đặc biệt là hiệu ứng đồ họa được cải thiện.
Với AMD Brazos, Asus 1225B tiêu thụ điện năng ở mức độ thấp giúp máy tiết kiệm điện năng, tăng thời lượng sử dụng pin.
Đáng chú ý, Asus 1225B còn được trang bị card đồ họa ATI Radeon HD 6320 hỗ trợ DirectX11 cho hiệu suất hiển thị 3D để xem phim hoặc chơi game mượt mà. Qua cổng HDMI, bạn có thể thưởng thức nội dung Full HD một cách thoải mái mà không bị hiện tượng giật hình.
Asus giới thiệu tính năng Smart Camera, người dùng có thể phóng to, thu nhỏ với mức từ 1x – 4x để sử dụng với tính năng video conferencing hiệu quả hơn. Tuy nhiên với bản recovery chúng tôi khôi phục lại từ khi cầm máy, chúng tôi chưa test cụ thể Smart Camera với video conference. Chúng tôi sử dụng chương trình E-cam (phím gọi tắt Fn+V) thì camera hoạt động bình thường, hình ảnh khá nét, dùng phím gạt bên trên có thể phóng to thu nhỏ 1x-4x tốt.
Asus 1225B cũng hỗ trợ DLNA (Digital Living Network Alliance) – đây là một chuẩn công nghệ giúp các thiết bị tương thích với nhau để chia sẻ nội dung âm nhạc, hình ảnh, video một cách dễ dàng.
Netbook 1225B còn có thêm tính năng USBCharge+ cho phép sạc điện thoại qua cổng USB mà không cần phải bật máy. Để dùng tính năng này bạn phải kích hoạt chế độ lựa chọn cho phép sạc qua USB, khi lượng pin trong máy còn 10% trở xuống thì máy sẽ tự động ngắt tính năng sạc.
Hiệu năng
Tuy thuộc dòng netbook nhưng Eee PC 1225B có cấu hình không hề thấp. Với các ứng dụng công việc và giải trí thông thường máy hoàn toàn có thể đáp ứng tốt.
Vi xử lý AMD Zacate E450 trên Eee PC 1225B là dòng APU hàng đầu của nền tảng AMD Fusion, kết hợp một bộ xử lý lõi kép chạy ở tốc độ 1.65 GHz và một chip đồ họa Radeon HD 6320, với 80 shader (đơn vị đổ bóng) tốc độ 508 MHz. Điều này cũng giúp mang lại khả năng hỗ trợ cho bộ nhớ DDR3 1333 MHz và kết hợp công nghệ Turbo Core của AMD, mà lần đầu tiên xuất hiện trên kiến trúc Llano. Tuy nhiên, trên dòng Zacate, Turbo Core chỉ tác động đến phần đồ họa, trong đó GPU có thể làm tăng tần số của nó đến 600 MHz khi chỉ có một số của đơn vị đổ bóng đồ họa làm việc và chip chưa đạt tới TDP tối đa, từ đó hiệu năng đồ họa tổng thể của máy được tăng lên trong một số ứng dụng nhất định. Điều này cũng giúp tăng từ 10-20% điểm 3DMark Vantage của máy.
Chúng tôi tiến hành test hiệu năng như một laptop thông thường để có thể đưa ra các nhận định chính xác hơn dựa trên so sánh với các máy cùng phân khúc, tầm tiền.
Điều kiện test: Để đảm bảo tính chính xác trong quá trình test hiệu năng laptop, chúng tôi đã tắt Windows Update, tắt Windows Firewall, tắt các chế độ tiết kiệm điện (nếu có) để đảm bảo máy luôn chạy ở mức hiệu suất cao nhất. Trong tất cả các bài test hiệu năng, laptop luôn được cắm nguồn điện liên tục, ngoại trừ bài test pin sẽ được sạc đầy sau đó rút nguồn để tiến hành test.
Tôi đánh giá hiệu suất tổng thể của máy qua chương trình PCMark Vantage. Kết quả cho thấy máy được 1958 điểm, đây là số điểm thấp so với trung bình khoảng 4000 điểm ở các laptop khác có cùng tầm giá trên thị trường, nhưng khá hơn nhiều so với các model netbook tương đương.
Eee PC 1225B rõ ràng với tính năng cơ bản là một netbook nên không thích hợp để chơi game đặc biệt là game 3D hoặc game nặng. Với điểm số 790 sau khi test bằng 3DMark Vantage, máy có số điểm ít hơn nhiều so với trung bình 2000 điểm.
Trên phần mềm 3DMark06 test hiệu năng xử lý đồ họa game, máy được 2522 điểm – tương đối thấp so với trung bình khoảng 3500) do CPU chỉ đạt 925 điểm.
Mặc dù có số điểm đồ họa đo bằng phần mềm không cao, nhưng thực tế khi xem phim chất lượng cao trên Eee PC 1225B thì hình ảnh hiển thị đẹp, mượt mà.
Dùng chương trình Cinebench để test hiệu năng xử lý theo thời gian thực, Eee PC 1225B đạt 8.21 khung hình/giây với đồ họa OpenGL. Đây là điểm số trung bình nhưng điểm CPU là 0.58 tiếp tục thấp hơn trung bình.
Tuy nhiên tốc độ đọc/ghi ổ đĩa với điểm số tương đối khá là 99.7/95.4 MB/s, hơn mức trung bình 86/81 MB/s
Test pin: pin được sạc đầy, rút điện nguồn, chạy Strees My PC để cho máy làm việc hết công suất nhằm tiêu thụ điện năng tối đa. Thời gian chúng tôi đo trong 2 tiếng máy tiêu thụ hết 60% lượng pin tương đương hơn 8 tiếng làm việc bình thường.
Thực tế sử dụng máy với chế độ lướt web bằng mạng Wi-Fi, nghe nhạc trực tuyến liên tục và làm việc với văn bản, bảng tính, máy báo còn 10% pin sau 6,5 giờ.
Nhiệt độ: trong phòng điều hòa nhiệt độ 25 độ C, máy có nhiệt độ 55 độ khi làm việc thông thường, nhưng khi chạy full load nhiệt độ máy có thể lên đến 73 độ. Nhiệt độ này vẫn ở ngưỡng trung bình có thể chấp nhận được. Trên thực tế khi máy ở nhiệt độ này mà phần mềm đo được, tôi kiểm tra thấy máy không nóng lắm, cảm giác hơi nóng nhưng chưa đến nỗi khó chịu.
Đánh giá: Nguyên Bình
Biên tập: Thanh Huyền
Nhận xét biên tập viên
Tuy nhiên, các ứng dụng như trình soạn thảo văn bản, trình duyệt, trình biên tập ảnh, chương trình chat, chơi nhạc đa phương tiện và các chương trình tương tự mà bạn hay dùng hàng ngày sẽ vận hành tốt. Eee PC 1225B cũng có thể chạy tốt các nội dung video HD, lưu trữ hoặc xem trực tiếp (bao gồm cả Netflix, Hulu, Youtube) và thậm chí là các game như Warcraft 3, COD: Modern Warfare 2, Starcraft 2, nhưng game mới hơn bạn sẽ phải thiết lập giảm một số chi tiết và độ phân giải.
Ở mức giá khoảng 10 triệu đồng, Asus Eee PC 1225B thoạt nghe nhiều người nghĩ có giá khá cao cho một netbook. Tuy nhiên, bên trong đó là sự thay đổi mang tính nâng cấp của Asus (ví dụ là chip AMD E450 Brazos 2 nhân thay cho chip Atom ở các netbook thông thường, máy có khả năng trải nghiệm đồ họa tốt hơn), vì vậy so với hiệu năng tổng thể mà máy mang lại tôi thấy mức giá này là hợp lý. Về thiết kế máy cũng có những điểm độc đáo riêng và quan trọng là bạn có thể sử dụng với các công việc bình thường trong một ngày làm việc với chiếc máy khá gọn nhẹ này.
Ưu và Nhược Điểm
+ Win 7 bản quyền
+ Thời lượng pin tốt
+ Màn hình độ phân giải tốt, xem HD tốt
- Chuột trên touchpad nặng
Nhận xét người dùng
-
{{#owner}}
-
{{#url}}
{{#avatarSrc}}
{{/avatarSrc}} {{^avatarSrc}} {{& avatar}} {{/avatarSrc}}{{name}} {{/url}} {{^url}} {{#avatar}} {{& avatar}} {{/avatar}} {{name}} {{/url}} - {{/owner}} {{#created}}
- {{created}} {{/created}}