Suzuki EN150-A: 150 phân khối, FI, 6 số, 51 km/lít đường trường
HotThông Tin Chung
- Nhật
Trong thời buổi xe mô tô từ 150 phân khối trở lên xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam với giá cả đa phần còn khá đắt đỏ thì EN150-A chính hãng (trong bài mình sẽ gọi tắt là EN) xuất hiện như là một giải pháp kinh tế và hiệu quả dành cho những người đam mê mô tô. Với giá bán lẻ dưới 50 triệu đồng (ở thị trường TPHCM, bao giấy), EN đáp ứng khá tốt nhu cầu của một người chơi xe côn tay mà số tiền bỏ ra không cao hơn các xe phổ thông khác là bao.
Ngoại hình
EN là dòng xe Naked Bike, tuy nhiên nó lại mang phong cách cổ điển chứ không đậm tính thể thao như đa số các xe Naked khác. Thiết kế phần đuôi xe cũng khá "hiền lành" nên khó thu hút được sự quan tâm của người xem nếu chỉ thấy xe qua hình ảnh. Chính phong cách hiền lành đó mà nhận định chung là xe thích hợp với những người đứng tuổi hơn, việc Suzuki chỉ cung cấp 2 màu xe là Đen và Xanh dương càng làm cho giới trẻ không mấy thích thú với chiếc xe này.
Phần đầu xe, bình xăng và cụm máy bên dưới chính là những điểm đẹp nhất mà chiếc EN có được. Đầu xe có đèn pha, 2 đồng hồ lớn; bình xăng to 14 lít; cụm máy đứng mạ crom là những điểm nhấn mà khi chạy xe trên đường làm nhiều người phải ngoái đầu lại nhìn nhất. Cảm giác ngồi lên xe và nhìn xuống toàn bộ phần ghi-đông (tay lái) và bình xăng rất sướng mắt, thiết kế tổng thể rất hài hòa và thân thiện, đúng chất cổ điển. Hai bên hông bình xăng được vát dẹp vào một ít để khi chạy bạn có thể ép 2 đùi của mình vào đây, vừa tạo cho người lái một cảm giác mát lạnh (lạnh vì xăng http://www.tinhte.vn/styles/default/xenforo/xenforo-smilies-sprite.png); color: rgb(20, 20, 20); font-family: 'Helvetica Neue', Helvetica, Arial, sans-serif; font-size: 15px; line-height: 21px; text-align: justify; background-position: -20px 0px; background-repeat: no-repeat no-repeat;">) vừa tạo cảm giác vững chắc hơn.
Một điểm trừ cho phần đầu xe đó là phần nhựa bao xung quanh đèn pha quá mỏng. Trong chuyến đi chơi kể trên, một anh trong đoàn xui xẻo bị ngã xe khi rẽ tốc độ chậm trên một đoạn đường đầy sỏi đá thì lớp vỏ này dễ dàng bị bể và đứt lìa ra.
Phần đầu xe có tới 2 đồng hồ, kích thước khá to. Một cái chỉ tốc độ chạy còn một cái dùng để chỉ số vòng tua máy. Chính giữa hai đồng hồ này có một màn hình điện tử nhỏ dùng để hiển thị số đang chạy hiện tại, dễ nhìn dưới nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Trên đồng hồ chỉ tốc độ còn có màn hình cây số chỉ tổng quãng đường mà xe đã chạy, bên dưới là đồng hồ TRIP dùng để đo một quãng đường bất kỳ. Bạn có thể nhấn vào nút RESET bên ngoài để đưa đồng hồ TRIP về con số 0, sau đó bắt đầu đi để đo quãng đường của mình.
Tay bóp côn và tay thắng trước của xe làm việc tốt, tay côn nhẹ nhàng, tay thắng ăn. Đặc biệt, bạn để ý gần cuối tay côn nó có một cái rãnh làm cho khúc đó của nó trở nên mỏng đi. Mục đích của nhà sản xuất là để đề phòng trường hợp bạn bị té hoặc ngã xe, nếu tay côn đập mạnh xuống đất thì nó sẽ chỉ gãy tới khúc này mà thôi, khúc tay côn còn lại vẫn đủ dài để bạn bóp côn chạy xe về nhà hoặc chạy ra hãng để thay. Nếu không có thiết kế này thì khi xe ngã, rất có thể tay côn sẽ bị gãy một đoạn dài và bạn sẽ không thể nào bóp côn được, đồng nghĩa với việc khỏi chạy xe.
Cặp kính chiếu hậu theo xe cũng được mạ crom, nhìn bóng loáng và có thiết kế góc cạnh, nhìn mạnh mẽ và có tầm nhìn lớn, bao quát gần như toàn bộ thị trường sau lưng người lái xe. Tuy nhiên để có tầm nhìn rộng như thế thì bạn phải xoay kính ra bên ngoài, lúc này kính sẽ nhô ra khỏi tay lái hơi nhiều nên khi chạy rất dễ bị va quẹt với các xe khác. Có lần khi đi qua phà Thủ Thiêm, mình cũng phải khá vất vả mới cho xe qua lọt cửa hành lang trên phà. Muốn cho xe gọn gàng hơn thì bạn có thể bẻ kính ngược trở vào bên trong, lúc này tuy đỡ va quẹt nhưng tầm nhìn bị thu hẹp lại gần 50%. Lời khuyên: đi trong thành phố thì bẻ kính vào, đi ngoại thành thì bẻ kính ra.
Yên xe rộng, ngồi thoải mái. Cả chỗ ngồi phía trước lẫn sau đều khá to nhưng vẫn giữ được nét hài hòa tổng thể của xe. Trong đó phần yên sau to và rộng nên người ngồi sau rất thoải mái, kể cả khi ngồi một bên cũng rất vững vàng.
Trái ngược hẳn với phần đầu, phần đuôi xe trông khá chán. Nhìn nó hiền lành và giản dị một cách phổ thông. Thêm nữa là gác ba-ga phía sau lại dài ra khiến không ít người phải phàn nàn và chê trách. Phần ba-ga dài tuy rất có lợi để ràng đồ trong những chuyến đi xa nhưng nhìn chung nó không tạo được điểm cộng cho một chiếc Naked Bike. Để giải quyết nó, một số anh em trong hội đã chọn giải pháp cưa ngắn ba-ga, sau đó sơn lại và kết quả thật mỹ mãn. Xe trông cứng cáp hơn hẳn.
Đối với những ai trước nay đi Nouvo, AirBlade hay những xe có sàn để chân thì khi chuyển sang EN, bạn hãy chuẩn bị tâm lý thường xuyên bị bắn sình đầy quần trong mùa mưa đi nhé. Vì dè trước và dè sau của nó nằm quá cao so với mặt đường nên nước mưa, sình từ dưới bánh xe khi chạy ở tốc độ cao sẽ bắn lên giày, ống quyển và có khi lên tới cả đầu gối của người lái, may mắn là người ngồi sau hoàn toàn bình yên và sạch sẽ. Dè sau cũng vậy, do nằm cách quá cao so với mặt đường và nhô nhiều ra phía ngoài nên khi chạy trên đường ướt sẽ tạo thành "hiệu ứng vòi sen", bắn nước ra phía sau xe rất cao.
Bộ tem của xe cũng là một vấn đề đáng nói. Nhất là bản màu đen, tem của nó là tập hợp gồm 3 màu trắng, xanh dương và đỏ làm cho màu sắc xe trở nên cực kỳ rối và già nua. Để giải quyết, người ta tiếp tục độ lại bằng cách lột sạch sẽ toàn bộ tem trên thân xe. Kết quả là xe đẹp hơn lúc còn tem gấp nhiều lần. Phải nói bộ tem của xe EN màu đen khá xấu, làm xe trông già và yếu ớt hơn. Sau khi lột hết tem trên bình xăng và ốp hông, một lần nữa xe nhìn cứng cáp và trẻ trung hơn rất nhiều. May mắn là tem trên chiếc EN xanh có màu sắc khá hài hòa nên mình cũng chưa lột nó ra vội.
Cần lưu ý một điều là hơi khó để lột được tem bình xăng của xe. Trước khi xuất xưởng, hãng Suzuki đã dán tem xe thùng xăng trước, sau đó phết lên một lớp sơn để nó dính chặt vào bình xăng luôn nên nếu chỉ dùng tay để nạy thì bạn khó lòng mà lột ra được. Muốn lột thì bạn cần một con dao có đầu nhọn, nạy vào điểm nhọn trên hình con tem và bắt đầu lột nó ra. Mình cũng cảnh báo trước luôn là sau khi lột ra nó sẽ tạo thành một vết lõm sâu và lớn trên thùng xăng, cho nên sau khi lột, thường người ta sẽ cho đi sơn lại bình xăng. Sơn nano sẽ là một lựa chọn tốt cho hoàn cảnh này.
Cặp phuộc cũng là thứ thu hút được khá nhiều người, nhất là phuộc sau vì vòng lo xo của nó được sơn màu đỏ rất đẹp, nhìn cứ như là cặp phuộc độ chứ không phải phuộc zin. Thử nghiệm đi trên nhiều loại đường cho thấy cả phuộc trước và sau đều hoạt động tốt, xe đi êm ái, nếu chạy xe ở tốc độ cao thì những ổ gà, ổ vịt trên đường không có nghĩa lý gì với nó cả, mình sẵn sàng cho xe lao thẳng qua ổ gà mà chỉ thấy xe hơi nhấp nhô một tí mà thôi.
Gầm của EN cao và thông thoáng, giúp xe chạy tốt trên những đoạn đường nhấp nhô không bằng phẳng. Nhà ai có bậc tam cấp cũng sẽ cảm thấy thích chiếc EN vì khi đẩy xe ra vào không bị cạ gầm. Mình từng thử cho xe chạy thẳng từ trên lề đường xuống mặt đường, cao khoảng 10 phân, không có dốc lên xuống mà vẫn không bị cạ gầm.
Xét về độ tiện dụng (móc, treo thêm đồ đạc), EN cũng giống như các xe mô tô khác là không có nhiều chỗ để bạn treo đồ. Những thứ quá quen với bạn như cốp dưới yên và hộc đựng đồ đều không có mặt trên các xe mô tô nói chung và EN nói riêng. Xe có ba-ga phía sau rất dài và to dùng để ràng đồ, nhưng nếu chỉ đi trong thành phố thì cái ba-ga này gần như vô dụng. Tuy nhiên xe vẫn có móc treo nón bảo hiểm ở cạnh phải bên dưới yên sau và được khóa bằng chìa. Nếu chỉ cần treo một túi đồ nhỏ hay bịch nylon nào đó thì bạn có thể máng vào tay cầm hoặc đèn xi-nhan phía trước xe.
Về cụm nút điều khiển trên ghi-đông, so với các xe máy thông thường thì EN có thêm 2 điểm mới đó là: công tắc On/Off nhanh nằm trên tay lái bên phải, dùng để tắt máy nhanh khi dừng xe hay trong trường hợp khẩn cấp. Công tắc này màu đỏ, nằm ngay vị trí ngón tay cái bên phải nên rất dễ bấm. Khi xe đang chạy, bạn bật công tắc sang vị trí Off thì máy sẽ tắt ngay lập tức, sau đó có đề máy thì xe cũng không nổ được. Muốn nổ máy thì bạn phải gạt sang vị trí On, sau đó đề máy như bình thường.
Thứ hai là nút Passing màu vàng nằm ở tay lái bên trái, phía trên công tắc đèn Cos/Pha. Nút Passing có công dụng là xin vượt đường hay vượt xe phía trước. Khi bấm nút này thì đèn Pha sẽ phát sáng, nhả ra thì đèn thì tắt. Bạn nhấp nhấp nút này để nhá đèn xin vượt cho tài xế phía trước biết.
Khi chưa đỗ xăng, xe nặng 130 kg, đỗ đầy bình cộng thêm nài xe thì tổng trọng lượng lên tới con số khoảng 200 kg. Trọng lượng lớn ảnh hưởng rất nhiều đến quán tính của xe. Bởi vì khi chạy xe sẽ lao đi rất nhanh, giống như bạn ném cục gạch thì nó sẽ bay đi nhanh hơn là ném một cục đá vậy. Vậy quán tính ảnh hưởng gì đến xe và đến bạn? Ưu có, nhược có, nguy hiểm cũng có luôn.
Thứ nhất, quán tính lớn giúp xe lao đi rất nhanh, khi chạy số 5, 6 xe chỉ cần một lực đẩy nhỏ từ động cơ là đã có thể lao đi, giúp tiết kiệm nhiên liệu và tăng độ bền cho động cơ. Quán tính lớn cũng giúp xe leo dốc tốt khi đang ở tốc độ cao.
Thứ hai, quán tính lớn nên xe dễ bị trượt khi thắng gấp và mình suýt là nạn nhân của nó. Trước giờ chạy Nouvo LX thắng một cái là xe dừng ngay, ít bị trượt. Còn hôm mới mua EN về, chạy chưa quen nên khi thắng gấp, bánh sau bị bó cứng nhưng xe không dừng ngay lại mà tiếp tục trượt về phía trước một quãng làm suýt tí nữa là mình đâm đầu vào xe khác. Nguyên nhân là do xác xe nặng, khi thắng gấp thì quán tính của xe vẫn còn nên xe sẽ tiếp tục trượt thẳng về phía trước, nếu tay lái không vững thì còn có thể ngã xe bất cứ lúc nào.
Chưa hết, khi chạy EN mình cũng bỏ luôn thói quen bóp côn khi xuống dốc hay thả cầu. Vì khi bạn bóp côn lại đồng nghĩa với việc xe không còn bị hãm tốc, lúc này xe sẽ trôi tự do xuống dưới với tốc độ gia tăng rất đáng kể. Làm tim gan phèo phổi mình cứ nhảy loạn cả lên.
Khi đang chạy xe với tốc độ cao bạn cũng rất dễ cảm nhận được quán tính của xe, chỉ cần bóp côn lại thì xe sẽ lao về phía trước rất nhanh. Tuy nhiên mình không khuyến khích các bạn làm điều này. Chỉ khuyên là nếu bạn chuyển từ xe thường sang EN (hay các xe mô tô khác) thì khi chạy hãy tăng khoảng cách giữa xe mình và xe phía trước thêm một khoảng nữa so với thông thường, đề phòng xe bị trượt về phía trước lúc thắng gấp.
Tuy xác xe nặng nhưng lại rất dễ điều khiển, thể hiện rõ nhất là lúc leo đèo Gia Bắc trong chuyến đi vừa rồi của mình. Mình có thể nghiêng xe, ôm cua, bo gấp, lật xe qua lại (như đua MotoGP http://www.tinhte.vn/styles/default/xenforo/xenforo-smilies-sprite.png); color: rgb(20, 20, 20); font-family: 'Helvetica Neue', Helvetica, Arial, sans-serif; font-size: 15px; line-height: 21px; text-align: justify; background-position: -20px 0px; background-repeat: no-repeat no-repeat;">) rất dễ dàng mà không cảm thấy bị sức nặng của xe làm ảnh hưởng đến thao tác điều khiển của mình.
Tư thế ngồi
Mình cao hơn 1 mét 7, nặng 56 kg, ngồi lên xe khá vừa vặn. Có thể chống chân chạm đất cùng lúc cả 2 bên. Nếu bạn cao từ 1,6-1,7 mét thì có thể phải chống chân một chút khi ngồi lên EN.
EN thuộc dòng xe Naked nên tư thế ngồi của người lái là thẳng tay, lưng có thể ngồi thẳng hoặc hơi cúi về phía trước. EN là chiếc xe Naked đầu tiên mà mình đi nhưng mình hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi dùng nó để đi xa. Ngay từ ngày đầu mua xe, mình đã đi hơn 300 cây số trong vòng 2 ngày liên tục nhưng vẫn không hề thấy mỏi tay hay lưng. Trong chuyến đi PT-ĐL, mình bắt đầu cảm thấy mỏi tay từ cây số thứ 500km trở đi, nhưng mình nghĩ đó là do phải lái xe trong 8 tiếng liên tục chứ không phải do tư thế ngồi.
Nhìn chung, xe tạo tư thế ngồi khá thoải mái mặc dù ghi-đông thấp, nhưng yên xe không quá chồm nên vẫn giữ được tư thế cân bằng cho người lái, không quá chồm lên nên trọng lượng cơ thể không bị dồn vào hai cánh tay.
Chiều dài ghi-đông của EN khá lớn nên rất tiện trong những lúc ôm cua. Đa phần các xe phổ thông ở Việt Nam có ghi-đông ngắn nên khi bo những khúc cua lớn, thường người lái phải giơ tay bẻ về phía cua khá nhiều, còn đối với EN do ghi-đông dài nên dù cho có bo cua lớn cũng không cần phải giơ tay ra quá xa, có thể bo cua liên tục mà không gây mỏi tay. Góc quay của đầu xe cũng lớn nên bạn sẽ không thấy bất tiện khi rẽ vào những con hẻm nhỏ.
Kết luận về ngoại hình
Nếu bạn đang có ý định mua EN mà còn băn khoăn về hình dáng của xe chưa đẹp thì mình khuyên là bạn hãy chạy thẳng ra đại lý để coi xe thực tế. Đảm bảo xe nhìn khác một trời một vực so với hình trên website. Bản thân mình lúc mới thấy hình xe trên web cũng tự phán với lòng rằng mình sẽ không bao giờ mua nó, nhưng đến khi ra đại lý coi thì đã phải suy nghĩ lại. Xe ngoài thực tế to và hầm hố hơn trên hình rất nhiều, nhất là phần bình xăng. Xe trên hình trông nhỏ nhắn, yếu ớt nhưng ở ngoài đời lại khá to con và lực lưỡng. Tuy nhiên, xấu đẹp là quan điểm riêng của mỗi người nên có thể người này thấy đẹp còn người khác thì lại chê xấu, chủ yếu là mình có thích hay là không.
Sức mạnh, khả năng vận hành: XE ÊM, GIA TỐC TỐT
Có thể EN không bốc như Exciter, gia tốc không lớn bằng CBR150 nhưng xét về nội lực thì EN vẫn tiềm tàng một sức mạnh khá lớn nếu bạn biết được "điểm G" của xe. Chỉ cần chạy xe vài lần trên nhiều loại đường khác nhau thì bạn sẽ khám phá ra cái "điểm G" sung sướng này.
Với động cơ 150 phân khối làm mát bằng không khí, 1 xy-lanh 4 thì, cam đơn, máy đứng, phun xăng điện tử cùng với hộp số 6 cấp, EN tỏa sáng trong thành phố được là do... ngoại hình. Thật trớ trêu vì trên những con đường ngắn ngủn, nhiều đèn đỏ và chật chội như trong thành phố thì sẽ không có bất cứ một cơ hội nào để EN phô diễn được sức mạnh của mình cả, thậm chí là còn hơi khó chịu vì phải móc trả số liên tục.
Do xe có tới 6 số (1-N-2-3-4-5-6) nên chiều dài mỗi bước số khá ngắn, làm cho ta phải móc số nhiều lần hơn để đạt tới tốc độ mong muốn. Tuy nhiên, do đặc thù đường xá trong nội thành là ngắn và nhiều đèn đỏ nên ít khi nào mình lên được số 4, thêm vào đó là phải móc số liên tục vì phải thay đổi tốc độ nhiều lần, làm cho xe có cảm giác cứ giật giật khá khó chịu. Trong đó, số 1 và 2 chủ yếu dùng để "bò" khi dừng đèn đỏ hay kẹt xe, số 3, 4 để tăng tốc còn số 5 và 6 là để chạy đường trường.
Do được trang bị phun xăng điện tử (FI) nên những số đầu như 1, 2, 3 không bốc nhiều như những xe khác, thay vào đó, bạn phải nhích ga nhiều hơn thì xe mới bắt đầu lăn bánh. Vì vậy khi có đèn xanh, những xe khác có thể đề pa vọt đi rất nhanh thì EN cứ từ tốn bắt đầu lăn bánh một cách chậm rãi ở phía sau. Cũng bởi được trang bị FI nên nếu dừng xe lại tại đèn đỏ hay bị kẹt xe, lời khuyên là bạn nên chuyển về số 1 để chạy thay vì để số 2. Vì ở số 1 bạn chỉ cần nhích nhẹ ga kết hợp nhả côn là xe sẽ bắt đầu chạy, còn số 2 thì bạn phải nhích ga sâu hơn, dễ làm ta mỏi tay nếu phải lết xe trong thời gian dài. Chưa kể nếu kết hợp ga và côn không tốt thì sẽ dẫn đến tình trạng xe bị giật và tiếng máy kêu lục cục giống như là bị hụt xăng.
Trong tất cả 6 số thì số 3 được dùng như là bước đệm để chuyển từ chạy chậm sang chạy nhanh. Nếu chạy tốt thì khi chuyển từ số 3 sang số 4 sẽ tạo thành một gia tốc khá lớn giúp vào số 4 ngọt ngào và tăng tốc hữu hiệu. Số 4 là bước số rất quan trọng của EN vì chỉ khi ở số này, bạn mới thấy được một phần sức mạnh tiềm tàng của nó. Mình nói một phần là vì số 4 không giúp bạn đạt được tốc độ tối đa nhưng sẽ cho bạn gia tốc lớn nhất khi vòng tua ở mức 6000 vòng/phút. Qua chuyến đi PT-ĐL vừa rồi, mình có thể khẳng định với các bạn rằng số 4 là số mạnh mẽ nhất của chiếc EN, và cũng là số mà xe đạt được gia tốc tối đa.
Khi đi trên đường trường, mình gặp rất nhiều xe lớn như xe buýt, xe tải, xe hàng. Giả sử bạn đang chạy sau một chiếc xe tải và muốn vượt lên nó. Lúc này cái bạn cần nhất không phải tốc độ cao mà là gia tốc phải lớn. Gia tốc nói nôm na ra là tốc độ tăng tốc của xe, gia tốc càng lớn thì xe tăng tốc càng nhanh trong một đơn vị thời gian. Trở lại vấn đề, nếu muốn vượt mặt xe tải thì bạn cần có gia tốc lớn, nhưng lúc này bạn đang chạy ở số 6. Điều bạn cần làm đó là hãy bóp côn lại và đạp côn để trả về số 4, sau đó nẹt pô (rồ ga) vài cái để làm tăng vòng tua lên khoảng 6000 vòng/phút, hành động đưa vòng tua lên mức 6000 là để chuyển xe sang trạng thái "hổ báo" nhất của nó, lúc này xe sẽ gầm gừ như một con cọp chuẩn bị xổng chuồng và bạn có thể cảm nhận được nó ngay bên dưới cái mông của mình, bạn chỉ cần nhích tay ga là xe sẽ vọt lên như một mũi tên bắn, bỏ lại chiếc xe tải sau lưng. Bây giờ bạn có thể lên số 5 để tiếp tục tăng tốc cho chuyến hành trình của mình.
Lúc nãy mình nói số 4 rất quan trọng là vì ngoài có gia tốc lớn ra, số 4 còn có thể duy trì cho xe một vận tốc khá cao, lên đến gần 100km/h nên nó hoàn toàn có thể đưa bạn vượt qua gần như bất kỳ chiếc xe hàng hay xe tải nào trên đường trường. Vì vậy, nếu chạy EN thì hãy nhớ kỹ một điều, số 4 là số dùng để vượt xe lớn hiệu quả nhất, là số có máu mặt nhất trong tất cả 6 số của xe.
Số 5 và 6 của EN thì không gay cấn bằng số 4 vì đơn giản nó dùng để chạy đường trường. Đặc biệt số 5 của xe tuy gia tốc không còn lớn nhưng khi ở tốc độ cao vẫn có thể leo dốc tốt, leo cầu OK. Không cần thiết phải chuyển về số thấp hơn. Điều này nhờ một phần là do xác xe nặng nên quán tính của xe lớn, ở tốc độ cao xe lao đi rất nhanh nên chỉ cần một lực đẩy nhỏ là đủ để xe leo dốc dễ dàng.
Khi ra đường lớn, số 6 sẽ là số êm ái nhất, nhẹ nhàng nhất và cũng dễ ru ngủ nhất của EN. Bản thân chiếc EN khi chạy đã rất êm, chuyển sang số 6 lại càng êm hơn. Tiếng máy phát ra rất nhỏ và bạn sẽ có cảm giác là xe đang lướt đi theo gió chứ không phải chạy bằng động cơ nữa.
Dù cho chạy bằng số nào đi nữa thì mình cũng có thể nói là xe rất êm ái, kể cả khi để số 1 dừng đèn đỏ thì tiếng máy cũng rất nhỏ, xe gần như không rung hay bị gằn lên làm nhiều lúc mình có cảm tưởng là đang chạy bằng một chiếc xe điện! Ngay cả mình là người lái mà đôi lúc dừng xe cũng khó nghe được tiếng động cơ, nếu ai đó mà đứng cạnh xe trên đường phố ồn ào thì chắc họ cũng không biết là xe mình có đang nổ máy hay không. Nếu bạn là người thích tiếng động cơ mạnh mẽ, gào rú như một con thú dữ thì xin lỗi, EN sẽ làm bạn thất vọng đấy.
Câu hỏi mà mình gặp nhiều nhất về chiếc EN này đó là tốc độ tối đa của xe được bao nhiêu, và tốc độ lớn nhất mà xe vẫn có thể chạy ổn định. Mình đã tìm hiểu về EN khá nhiều và cho đến nay, vẫn chưa thấy ai lên tiếng là đã đạt được tốc độ tối đa của EN. Trên YouTube có nhiều video quay cảnh chạy max tốc chiếc Suzuki YES (một biến thể khác của EN150-A ở thị trường nước ngoài), tuy nó chỉ có 125 phân khối nhưng có thể đạt tới vận tốc tối đa là 140km/h. Còn đối với chiếc EN150 ở Việt Nam thì mình chưa thấy ai thử, và mình cũng không muốn thử chút nào. Tuy nhiên có thể nói một điều là ngay cả khi chạy ở tốc độ 100km/h thì xe vẫn rất đầm, ổn định và êm ái, xe không rung lắc, không bị gằn và cảm giác lái vẫn rất tốt, không khác nhiều so với khi chạy ở tốc độ thấp hơn. Trong hội EN150 Vietnam cũng từng có người kéo lên 115km/h ở số 5 mà xe vẫn còn rất ổn định.
Về khả năng tăng tốc, xe dễ dàng đạt từ 0-80km/h một cách nhanh chóng. Từ 80-100km/h, nếu biết cách kết hợp ga và vòng tua máy thì sẽ đạt mốc 100km/h khá nhanh, nếu chỉ chạy xe theo cảm tính thì sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được con số 100. Từ 100km/h trở đi thì EN tăng tốc rất chậm, với lại xe đã bị hãng giới hạn số vòng tua ở con số 10.000 vòng/phút. Nếu đồng hồ tua của bạn chạm tới ngưỡng này thì coi như hết khả năng tăng tốc nữa.
Phanh, thắng đĩa, lốp xe
Xe dùng thắng đĩa cho bánh trước và thắng đùm cho bánh sau. Bánh sau kích thước 90/90-18 nên nhìn hơi nhỏ bé và yếu ớt. Bánh sau không có thắng đĩa nên nhìn cũng chưa thật ngầu. Bạn có thể đi làm thắng đĩa cho bánh sau để xe nhìn cứng cáp hơn với chi phí khoảng 2 triệu đồng.
Thử nghiệm trên nhiều loại địa hình cho thấy trắng đĩa trước làm ăn rất tốt, phanh ngon, còn thằng đùm phía sau chỉ tạm được mà thôi, không tốt nhưng cũng không phải là tệ. Minh chứng là mình đã chạy từ trong thành phố ra quốc lộ, leo đèo ôm cua rất nhiều mà vẫn bình ăn vô sự.
Nói về lốp, có khá nhiều vấn đề để phàn nàn. Thứ nhất, Suzuki chơi khác người, dùng mâm 18" cho cả bánh trước và sau. Rất khó để tìm được lốp 18" ở thị trường Việt Nam vì không mấy xe dùng mâm này cả. Rất nhiều người sau khi mua EN (trong đó có mình) đã lục tung hết các con đường ngõ hẻm trong chợ Tân Thành và Ký Con chỉ để tìm cho bằng được một cái lốp sau to bản dành cho EN, nhưng không phải ai cũng tìm được. Lốp 18" ở Việt Nam rất hiếm, tìm lốp to loại 18" còn khó hơn. Một số anh em may mắn tìm được lốp 110, 120, người khác thì chấp nhận đặt mua xách tay từ nước ngoài. Còn mình thì yên phận chơi tạm lốp 100/90-18. Âu cũng chỉ vì muốn cái mông xe nhìn nó to hơn, mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn so với cái bánh zin quá nhỏ.
Thay lốp sau không chỉ để cho đẹp mà còn để an toàn hơn bởi vì bánh sau của xe chạy quá tệ, bám đường cực kỳ kém nên rất trơn. Mình lúc mới mua xe cũng suýt té 2 lần chỉ vì cái bánh sau, một lần thắng hơi gấp làm cho lốp sau lảo đảo theo hình zig zag, một lần cũng đang chạy nhanh thì chuyển làn đường, cán lên vạch sơn phân cách, chỉ là vạch sơn nhỏ thôi mà bánh sau cũng lảo đảo rất nhiều. Sau lần đó mình về xem lại thì thấy vấn đề là tiết diện bám đường của lốp sau quá nhỏ, phần tiếp xúc giữa bánh sau và mặt đường rất ít cho nên chỉ cần một vật cản nhỏ (ví dụ như làn phân cách) cũng đủ làm cho lốp sau phải nghiêng ngả theo đời.
Đó là chỉ mới đi trong thành phố, đường tráng nhựa đàng hoàng mà bánh sau đã tệ như thế rồi nên mình đã thay ngay bằng lốp Deestone 100/90-18 để an toàn hơn. Mặc dù kích thước không lớn hơn bánh cũ bao nhiêu nhưng bù lại tiết diện bám đường của nó lớn nên chạy an toàn hơn rất nhiều. Điều này đã được mình chứng minh cũng trong tour PT-ĐL vừa qua. Lốp sau 100/90 bám đường rất tốt, kể cả đường đất, đường sỏi, bo cua cấp, bo cua trên đường đất, bo cua qua ổ gà... đều chẳng hề hấn gì cả. Thiết nghĩ là một chiếc xe Naked Bike mà Suzuki lại trang bị bánh sau quá tệ cho EN. Trong khi đó chỉ cần thay bằng lốp Deestone nói trên (mình mua 600.000 đồng) là mọi vấn đề đã được giải quyết triệt để, đi tour, leo đèo ngon lành. Nếu bạn cũng có ý định mua EN thì mình khuyên là hãy thay bánh sau ngay lập tức để đảm bảo vấn đề an toàn cho mình và cũng cho người khác.
Bánh trước của EN cũng là loại 18", kích thước khá nhỏ nên nhìn từ góc này chưa được mạnh mẽ. Khác với bánh sau, bánh trước chạy rất tốt, tuy nhiên khi gặp đường sình thì sẽ bó tay do khoảng cách giữa bánh xe và dè trước quá ít, dễ bị sình lấp đầy và kết quả là ta phải dừng xe lại, dùng nước gội sạch hết bùn sình thì mới chạy tiếp được.
Hệ thống làm mát
Động cơ của EN được làm mát bằng không khí. Phía bên ngoài guồng máy có những tấm kim loại đặt thành từng lớp tạo thành những cái khe lớn, giúp gió luồn vào bên trong và giải nhiệt cho động cơ. Trong thời gian rodai (nhất là 300 km đầu), do các chi tiết máy còn mới, khi hoạt động tạo ra nhiều ma sát nên xe chạy rất nóng. Nếu bạn không mang vớ chân thì có thể sẽ không chịu nổi nhiệt tỏa ra từ guồng máy bên dưới. Tuy nhiên khi chạy nhanh (từ 60km/h trở lên) thì toàn bộ hơi nóng sẽ bị gió đẩy ra phía sau nên sức nóng nơi cẳng chân hoàn toàn bị xóa bỏ.
Sau khi rodai xong thì máy chạy mát mẻ hơn rất nhiều, bạn hoàn toàn có thể mang dép hay giày thấp cổ để đi mà không lo bị nóng chân. Trong chuyến đi tour của mình, trong 3 ngày xe chạy hơn 700 km, trong đó ngày đầu chạy từ giữa trưa nắng, liên tục 8 tiếng đồng hồ với tốc độ có khi lên tới 100 km/h nhưng xe vẫn rất mát mẻ, điều này cho thấy hệ thống làm mát bằng không khí đã hoạt động rất tốt, xe vẫn ổn định và êm ái sau nhiều giờ hoạt động liên tục.
Xăng cộ
Thùng xăng 14 lít của EN sẽ không có gì nổi bật nếu nó không chạy được hơn 50km/lít. Rất nhiều xe mô tô có bình xăng nhiều hơn 10 lít. Nhưng mỗi lít chạy được hơn 50 cây như EN thì phải thật đáng khen. Với tình hình giá xăng 95 tại thời điểm viết bài là 23.500 đồng/lít, đổ đầy bình thì bạn phải bỏ ra ngót nghét gần 330.000 đồng. Tuy nhiên có thể phải đến cả tháng sau bạn mới cần đổ xăng lại nếu chỉ dùng xe để đi làm trong thành phố. Nếu dùng để đi chơi đường xa thì xe có thể chạy được hơn 700 cây số chỉ với một bình xăng.
Trong thời gian rodai, mình chạy được 46,5 km/lít trên đường hỗn hợp gồm cả thành thị và đường trường. Trong chuyến đi tour vừa rồi, xe chạy trên quốc lộ là chính nhưng thỉnh thoảng vẫn vào thành phố, thị trấn, đường đất, sỏi đá, leo đèo... thì mình chạy được 51,6 km/lít xăng, quá đã. Như vậy chỉ với một bình xăng 14 lít, mình chạy được hơn 700 cây số. Đây cũng là một điều đáng tự hào cho các lái xe EN. Nếu trên đường trường, EN bị các xe khác như CBR150R hay 150RR “ăn hiếp” về gia tốc thì khi dừng lại đỗ xăng, EN có thể tự mỉm cười đứng đợi để các xe khác vào đổ xăng tới mấy lần.
Tour vừa rồi mình đi tổng cộng hết quãng đường dài 707 km và suốt chuyến đi không hề ghé vào đổ xăng, về đến nhà mình chạy ngay ra cây xăng để đổ lại thì thấy hao hết 13,7 lít, hú hồn là vừa ngám 14 lít luôn. Tính ra mỗi lít chạy được hơn 51,6 km. Một điểm bạn cũng cần lưu ý đó là khi đồng hồ báo xăng chạm tới vạch đỏ cuối cùng thì xăng trong bình vẫn còn được tới gần 4 lít, đủ để bạn chạy ro ro gần 200 km trước khi phải tạt vào một cây xăng nào đó để đổ lại.
Kết luận
Suzuki EN150-A là một chiếc xe Naked Bike tốt có mức giá khá ngon. Nhìn chung, xe có thiết kế tổng thể rất tốt mặc dù vẫn còn mắc phải một số nhược điểm không đáng có như bánh xe nhỏ, bánh sau bám đường tệ. EN cao ráo, khỏe khoắn theo phong cách cổ điển nhưng khó kiếm lốp to dành cho mâm 18".
Qua chuyến đi PT-ĐL vừa rồi, xe đi xa liên tục trong nhiều giờ liền với tốc độ cao, kết hợp leo đèo, đường đất, sỏi đá, đường đang thi công... sau 3 ngày 2 đêm và hơn 700 km, EN vẫn tỏ ra rất bền bỉ và ổn định, không bị hư vặt. Kết cấu xe chắc chắn, sau chuyến đi xe vẫn rất êm ái, không phát ra tiếng kêu gì lạ.
EN về cơ bản là đẹp nhưng nếu muốn đẹp hơn thì phải độ lại vài thứ như gọt ba-ga sau, sơn lại, sơn mâm, phuộc, xử lý bộ tem gốc, thay bánh sau, lên đĩa... tùy sở thích và khả năng tài chính của mỗi người.
Nhận xét biên tập viên
Ưu và Nhược Điểm
Xe cực kỳ ổn định và êm ái, kể cả khi chạy suốt nhiều giờ liền.
Thùng xăng lớn.
FI tiết kiệm xăng (hơn 50 cây/lít đường trường).
Xe vẫn ổn định khi chạy trên 100km/h.
Gầm xe cao.
Yên xe to.
Đi đường trường tốt.
- Lốp sau nhỏ, bám đường kém, trơn trợt.
- Đuôi xe chưa đẹp.
- Tem xe màu đen quá xấu.
Nhận xét người dùng
-
{{#owner}}
-
{{#url}}
{{#avatarSrc}}
{{/avatarSrc}} {{^avatarSrc}} {{& avatar}} {{/avatarSrc}}{{name}} {{/url}} {{^url}} {{#avatar}} {{& avatar}} {{/avatar}} {{name}} {{/url}} - {{/owner}} {{#created}}
- {{created}} {{/created}}