Lenovo ThinkPad X1
HotThông tin sản phẩm
Cấu Hình Chung
Với trọng lượng chỉ khoảng 1,7 kg và mỏng 17 mm (chỗ mỏng nhất), X1 là sản phẩm mỏng nhất trong dòng máy ThinkPad của Lenovo, xứng đáng là đối thủ của Apple MacBook Air.
Ra mắt thị trường Mỹ từ tháng 5/2011, tuy nhiên phải đến cuối tháng 9, Lenovo mới giới thiệu ThinkPad X1 tại Việt Nam, và người tiêu dùng có thể mua hàng bắt đầu từ tháng 10.
Thiết kế và cảm nhận
Mặc dù có kiểu dáng tương đối đẹp và là chiếc ThinkPad mỏng nhất từ trước tới nay, nhưng ThinkPad X1 trông không được mỏng. Phía trước máy chỉ mỏng 17 mm nhưng ở phía sau máy dày hơn, 21 mm. Có lẽ do thiết kế của máy thiếu những đường cong ở các cạnh, và phần đáy máy hơi nặng nề và dốc về phía sau. So với các đối thủ, trọng lượng 1,75 kg (1,71kg với model dùng ổ SSD thay vì ổ đĩa cứng) của ThinkPad X1 không phải là nhẹ nhất, tuy vậy cũng đủ để bạn có thể mang máy theo người cả ngày mà không quá mệt.
Thiết kế của ThinkPad X1 có lẽ là hơi "nghiêm túc" như thường thấy trên các dòng ThinkPad dành cho doanh nhân, nên có thể không hợp với những doanh nhân có tính cách trẻ trung và ưa thời trang. Dòng IdeaPad U260 của Lenovo có thiết kế đẹp hơn nhiều. Tuy nhiên, ưu điểm của X1 là vỏ máy không bám vân tay, cũng không bị xước, đảm bảo máy sẽ không nhanh chóng bị "xuống mã" sau vài tháng sử dụng.
"Build quality" của máy vẫn xứng đáng với uy tín lâu năm của dòng máy ThinkPad. Cầm máy trên tay bạn sẽ thấy một cảm giác chắc chắn, tin cậy, rất hợp ý với những người cẩn thận.
Màn hình 13.3 inch được phủ lớp chống xước Glass Gorilla, nên bạn có thể yên tâm về khả năng chống xước rất cao, cho dù có dùng chìa khóa hay dao để cạo lên màn hình, như đại diện Lenovo thường trình diễn tại các buổi ra mắt sản phẩm này ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, màn hình có góc nhìn không được tốt. Máy chỉ trang bị màn hình TFT, trong khi hầu hết các laptop cao cấp hiện nay đều sử dụng màn hình IPS cho độ sắc nét và tương phản tốt hơn.
Điểm ấn tượng nhất của ThinkPad X1, là bản lề máy cho phép bạn mở nắp máy rộng tới 180 độ, nghĩa là cùng mặt phẳng với phần thân máy. Dù bạn mở ở cỡ nào, thì bản lề luôn giữ máy rất chắc chắn.
Số lượng các kết nối trên X1 có thể nói là vượt trội so với các laptop doanh nhân thông thường. Máy chỉ thiếu cổng LightPeak / Thunderbolt (hiện có trên Macbook Air và VAIO Z). Riêng về kết nối không dây, X1 trang bị Bluetooth 3.0, Wi-Fi chuẩn N, và tùy chọn modem 3G cho phép kết nối băng rộng di động nếu bạn chấp nhận trả thêm khoảng 100 USD nữa.
Hầu hết các kết nối vật lý của ThinkPad X1 được tìm thấy ở phía sau, gồm có cổng LAN Gigabit Ethernet, một khe cắm thẻ SIM, cổng USB 3.0, eSATA combi, một cổng USB 2.0 có khả năng sạc pin (Sleep and Charge), cổng HDMI 1.4 và mini DisplayPort cho video. Việc bố trí các cổng ở phía sau như thế này có thể gây bất tiện trong khi sử dụng, vì bạn có thể phải xoay máy hoặc đứng lên loay hoay với các khe cắm nhỏ bé này.
Cạnh trái của máy lại có rất ít cổng, với một jack cắm chung micro và tai nghe, và một cổng USB 2.0. Cạnh phải là một nút bật tắt Wi-Fi và đầu đọc thẻ SDXC, nắp che ổ cứng.
Hai cạnh phải và trái có ít cổng và khe cắm
Các kết nối vật lý chủ yếu nằm ở mặt sau của máy
Thương hiệu ThinkPad nổi tiếng với bàn phím laptop tiêu chuẩn. Bàn phím của ThinkPad X1 cũng là một trong những bàn phím tốt nhất. Mặc dù bàn phím có thiết kế kiểu chicklet, song các phím có kích thước tiêu chuẩn và cho cảm giác sử dụng như với một bàn phím thông thường. Hình dạng hơi lõm của các phím giữ cho ngón tay của bạn đặt trong phím một cách tự nhiên và giúp bạn tránh gõ nhầm phải phím bên cạnh. Theo phong cách của Lenovo, phím Fn được bố trí nằm bên trái của phím Ctrl (mặc dù bạn có thể gán lại chức năng của hai phím này trong BIOS). Phím Enter vốn truyền thống có màu xanh, nay đã đổi sang màu đen.
Điều đáng nói về bàn phím này là các phím có độ nảy rất tốt, tốt hơn nhiều so với bàn phím của các dòng laptop mỏng, và khi gõ phím thì không gây ồn, hoàn toàn không bị flex (lún phím). Đặc biệt, các phím được chiếu sáng bằng đèn nền và bạn có thể bật/tắt chế độ đèn nền này bằng phím Space, trong khi hầu hết các model laptop có đèn nền đều sử dụng cảm biến ánh sáng để bật tắt đèn. Trong các trình diễn của mình, Lenovo đã cho đổ một ly nước lên bàn phím chống tràn của ThinkPad X1 và máy vẫn làm việc tốt sau đó, như vậy các doanh nhân có thể yên tâm làm việc cùng với một ly trà hay café mà không lo sự cố tràn nước.
Mặc dù touchpad của máy không tồi, với cảm ứng đa điểm và các nút chuột được tích hợp, nhưng có vẻ nó không phù hợp với bàn phím tuyệt vời của máy. Touchpad có bề mặt lớn, sử dụng tốt, nhưng so với các touchpad của Samsung Series 9 và Series 7 thì còn thua xa, thỉnh thoảng việc click bị cứng.
Bù lại, ThinkPad X1 vẫn trang bị chuột TrackPoint màu đỏ nằm giữa bàn phím và bạn có thể điều khiển bằng một đầu ngón tay. TrackPoint có ba nút bấm rất nhạy, trong đó có một nút chuyên dùng để cuộn trang. Nếu bạn đã quen dùng, sẽ rất thích TrackPoint này.
Thiết kế của ThinkPad X1 có một điểm nhấn đặc biệt, đó là dãy các nút điều chỉnh âm lượng nằm ở bên phải bàn phím. Từ dưới lên là các nút tắt loa, điều chỉnh tăng/giảm âm lượng, và nút tắt microphone có đèn LED màu cam, cuối cùng là nút ThinkVantage màu xanh, cho phép người dùng truy cập tới một số chức năng như bộ công cụ Lenovo ThinkVantage Toolbox với các phần mềm bảo mật và bảo vệ hệ thống.
Như nhiều laptop doanh nhân khác, ThinkPad X1 cũng được trang bị hệ thống TPM (Trusted Platform Module) dành cho người dùng doanh nghiệp, và một đầu đọc vân tay dành cho những doanh nhân lười ghi nhớ mật khẩu.
Âm thanh của X1 khá tốt đối với một laptop siêu di động. Âm thanh phát ra khá chi tiết với nhiều độ sâu, ngay cả khi đặt mức âm lượng nhỏ vẫn cho âm vực tốt. Điều này là hiếm có đối với một laptop mỏng khi không cần có giải pháp âm thanh bên ngoài nào hỗ trợ.
Máy không có ổ đĩa quang, mặc dù ít khi chúng ta dùng đến ổ quang, nhưng đây cũng là phần thiết bị không thể thiếu với một số người dùng.
Hiệu suất
Nói chung, bạn không phải phàn nàn gì về hiệu suất của máy, với một bộ xử lý Intel Core thế hệ 2, kết hợp với bộ nhớ RAM đầy đủ, có nghĩa là máy sẽ xử lý một khối lượng trung bình công việc hàng ngày một cách dễ dàng. Mặc dù bạn có thể nâng cấp lên Core i7 với giá cao hơn model Core i5 khoảng 200 USD, nhưng với hầu hết người dùng, chip lõi kép Core i5-2520M 2.5GHz đã khá đầy đủ, đặc biệt là khi dòng CPU này đã được Intel tích hợp Turbo-clocking và chế độ siêu phân luồng lên đến bốn lõi ảo.
Kết quả test hiệu suất hoạt động của ThinkPad X1 dưới đây được tham khảo từ trang ubergizmo.com:
Sử dụng PCMark 7 để đánh giá hiệu suất hệ thống tổng thể thông qua các thông số hiệu suất của bộ xử lý trung tâm (CPU), xử lý đồ họa (GPU), đĩa cứng và các thành phần quan trọng khác. Kết quả có so sánh với một số model laptop khác:
ThinkPad X1 đạt điểm số khá cao
PCMark 7 dường như đặt trọng tâm vào hiệu suất của bộ xử lý, và điều đó giải thích lý do tại sao Lenovo X1 với CPU Core i5 thế hệ 2 đã dẫn đầu trong bảng so sánh này, trong khi Toshiba R705 sử dụng Core i5 thế hệ trước, và cả hai máy Mac vẫn còn dùng Core 2 Duo.
Xét về khả năng chơi game, với tốc độ chỉ 13 fps trong game Just Cause 2, có thể thấy Lenovo X1 là máy tính chơi game chậm nhất trong số các model so sánh ở đây, chủ yếu là do máy sử dụng đồ họa tích hợp của Intel.
Khả năng chơi game của máy không được tốt
Tuổi thọ pin: tuổi thọ pin của máy được kiểm tra ở điều kiện không tự động giảm độ sáng, không đặt chế độ ngủ, mức pin ở mức cao nhất:
- Phát một video MP4 720p trong 60 phút: tiêu hao 36% pin
- Phát một video Youtube (qua sóng Wi-Fi) trong 60 phút: tiêu hao 48% pin
- Phát một bản nhạc (với độ sáng màn hình tối thiểu) trong 60 phút: tiêu hao 23% pin
- Lướt web trong 60 phút: tiêu hao 20% pin
Như vậy, tuổi thọ pin là chấp nhận được, mặc dù không đặc biệt. Bạn sẽ có thể xem một vài phim HD trong khoảng gần 3 giờ, hoặc soạn thảo văn bản, dùng phần mềm văn phòng… trong khoảng từ 5-6 giờ. Việc đo thời lượng lướt web phức tạp hơn một chút vì nó phụ thuộc vào số lượng các tab mở, flash sử dụng, lượng ảnh load…, nhưng khoảng 4-6 giờ là một đánh giá hợp lý.
Lenovo đã không ngoa khi nói rằng máy có thể sạc đầy 80% pin trong vòng 30 phút nhờ cơ chế sạc nhanh Rapid Charge. Kết quả thử nghiệm của ubergizmo cho thấy, từ lúc bắt đầu sạc khi máy còn 8% cho đến khi đạt 77% là 26phút 40 giây. Điều này quả thực rất hữu ích khi bạn có việc cần dùng tới pin laptop mà không có thời gian để chờ sạc đầy.
Thanh Huyền
Nhận xét biên tập viên
Tuy nhiên, máy còn một số nhược điểm nhỏ như không có ổ quang, màn hình có góc nhìn chưa tốt, ngoài khả năng chống xước thì màn hình TFT vẫn cho chất lượng kém xa màn hình IPS vốn đang là xu hướng hiện nay. Có thể Lenovo làm vậy để giảm giá thành. Tuy nhiên, với mức giá 50 triệu đồng bán tại Việt Nam, người dùng có quyền đòi hỏi một model tốt hơn nữa. Máy cũng không phải là lựa chọn tốt để chơi game hay xử lý đồ họa, card đồ họa tích hợp chưa mang lại vị trí xứng đáng cho một model ở tầm giá "khủng" như vậy.
Ưu và Nhược Điểm
+ Bàn phím có thiết kế tốt, sử dụng thoải mái
+ Màn hình có công nghệ chống xước tốt
+ Pin có khả năng sạc nhanh 80% trong 30 phút
- Không có card đồ họa rời
- Giá cao
Nhận xét người dùng
-
{{#owner}}
-
{{#url}}
{{#avatarSrc}}
{{/avatarSrc}} {{^avatarSrc}} {{& avatar}} {{/avatarSrc}}{{name}} {{/url}} {{^url}} {{#avatar}} {{& avatar}} {{/avatar}} {{name}} {{/url}} - {{/owner}} {{#created}}
- {{created}} {{/created}}