Asus K45VM
HotThông tin sản phẩm
Cấu Hình Chung
Ra mắt vào tháng 5/2012, K45VM là một trong những laptop đầu tiên được Asus trang bị chip xử lý Ivy Bridge thế hệ mới nhất (thế hệ 3) của Intel. Đây là laptop Ivy Bridge đầu tiên mà VnReview đánh giá, và nhận được cảm tình của chúng tôi về một cấu hình khỏe khoắn và phục vụ nhiều mục đích sử dụng.
So với Sandy Bridge sử dụng nền tảng 32nm, chip Ivy Bridge sử dụng nền tảng 22nm, tốc độ xử lý CPU được đánh giá là cao hơn khoảng 15% và hiệu suất đồ họa cao hơn khoảng 50%. Asus K45VM có kích cỡ màn hình là 14-inch, được Asus Việt Nam xếp vào dòng "hiệu năng linh hoạt", có hai màu để lựa chọn là đen và nâu với giá bán ở Vĩnh Xuân là 20,9 triệu đồng. Máy còn có một "người anh em" 15-inch là K55VM với tùy chọn tương tự về cấu hình và màu sắc.
Thiết kế
Ngay từ khi cầm trên tay chiếc hộp chứa máy và phụ kiện bên trong, tôi đã có cảm giác chiếc máy này khá nặng. Máy có trọng lượng 2,4 kg (có pin), các cạnh thiết kế khá dày nên tính di động không cao, không phù hợp với người dùng có nhu cầu di chuyển nhiều. Trọng lượng chung của máy còn bị tác động bởi bộ sạc nguồn (adapter) to, nặng hơn để phù hợp với cấu hình so với Asus K43E. Sau khi mở hộp, tôi thấy việc thiết kế hộp có sự thay đổi so với nhiều mẫu laptop trước của Asus. K45VM được đặt trong một khoang vừa đủ được tạo thành từ các khung bìa cứng. Bên dưới để sách hướng dẫn, đĩa cài driver, hai bên cạnh là các khoang nhỏ đựng bộ sạc điện và dây cắm nguồn. Tất cả được đóng gói trong một chiếc hộp to hơn. Tôi thấy có vẻ đỡ mất công tháo lắp hơn so với loại hộp cũ.
Chiếc máy chúng tôi đánh giá có màu tổng quan đen mờ. Bề mặt trên của máy được phủ lớp nhựa bóng, trong suốt, nhìn thấy bên dưới là những đường thẳng dọc ngang vuông góc tạo từ những dấu chấm. Những chấm nhỏ này có màu sáng óng ánh nhìn giống như nhũ. Lớp bề mặt này tương đối cứng, tôi thử dùng đầu móng tay di di lên mà không bị xước. Do có bề mặt bóng mà bạn có thể soi gương khá tốt, lớp vỏ dễ bám vân tay và các sợi vải nhỏ, bụi trong không khí. Bạn có thể lau chúng đi rất đơn giản chỉ với một miếng vải mềm. Bốn cạnh trên bề mặt được vát nhẹ, ôm xuống.
Asus K45VM có các cạnh viền màn hình hơi to (đặc biệt là cạnh dưới và trên), tạo cảm giác màn hình nhỏ so với kích cỡ 14 inch. Trên viền màn hình có các đoạn cao su nhỏ để bảo vệ màn hình khi gập xuống. Chính giữa cạnh trên có một camera VGA độ phân giải 0.3MP, gần đó là 2 lỗ nhỏ để thu tín hiệu tiếng trong trường hợp bạn sử dụng máy để họp conference. Viền màn hình làm bằng nhựa sần nhẹ, không bóng, không bám vân tay, khá tương đồng với bề mặt các phím và khu vực quanh bàn phím.
Màn hình máy có độ phân giải 1333 x 768 px, đây là cỡ phân giải phổ biến với các laptop hiện nay. Khi tăng độ sáng lên hết cỡ, công nghệ HD LED cho chất màn hình hiển thị khá sắc nét và tương phản tốt. Các mẫu laptop hiện nay của Asus chủ yếu sử dụng loại màn hình gương bóng, và Asus K45VM cũng vậy. Với loại màn hình này, người sử dụng có cảm giác khả năng chống lóa không cao bằng loại màn hình gương mờ. Mặc dù vậy, tôi đã dùng thử dưới trời nắng và thấy là vẫn sử dụng chấp nhận được. Màn hình cho góc nhìn tốt ở khoảng 60 độ trở lại, khó nhìn hơn nếu bạn quan sát từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Màn hình của máy cũng dễ bám vân tay, nhìn thấy rõ khi màn hình tắt ngoài trời sáng. Việc lau sạch các vết này là không hề đơn giản.
Bên dưới là khu vực bàn phím, chiếu nghỉ tay và touchpad. Khu vực bàn phím hơi thấp hơn một chút so với phần còn lại. Thiết kế như vậy là để tạo sự khác biệt giữa các khu vực với nhau, đồng thời khoảng cách cao thấp sẽ được san bằng bởi độ nổi của các phím, nghĩa là bề mặt của các phím gần như bằng phẳng so với bề mặt của chiếu nghỉ tay.
Viền xung quanh bàn phím được làm bằng hợp kim, hơi vát cong lên về các cạnh. Viền trên là một đường rộng khoảng 1cm, được tạo thành từ các rãnh ngang nhỏ song song với nhau tạo điểm nhấn và sự khỏe khoắn. Bề mặt khu vực bàn phím được phủ một lớp sơn từ tính nhìn như nhũ óng ánh, không bám vân tay.
Bàn phím của Asus K45VM là loại chiclet, các phím có độ to fullsize, khoảng cách giữa các phím vừa đủ giúp cho việc gõ chữ thoải mái. Hành trình phím có vẻ hơi ngắn một chút nhưng tôi sử dụng không hề khó chịu, không mỏi tay, gõ văn bản ít bị nhầm. Phím điều hướng bốn chiều cũng to như các phím chữ khác. Phím bốn chiều còn có chức năng phụ để chơi nhạc hoặc xem phim giải trí (có thể dừng, tua, chạy phim, chuyển tiếp). Bàn phím có đầy đủ các phím truyền thống và hỗ trợ thêm các chức năng phụ kết hợp với phím Shift hoặc Fn. Trên đó bạn có thể tăng giảm độ sáng màn hình, điều chỉnh âm lượng. Ngoài ra còn có các chức năng riêng chỉ có trên dòng máy Asus đó là Fn + backspace để chuyển sang chế độ tiết kiệm điện Power4Gear, Fn + V để bật ứng dụng Life frame, Fn + C để bật tính năng Splendid với nhiều lựa chọn nhanh về chế độ hiển thị màn hình desktop…
Ngay bên trên bàn phím là một dãy các lỗ nhỏ. Đây là khe để phát loa của hệ thống âm thanh Altec Lansing. Tôi đoán là chất lượng âm thanh của máy tốt bởi ngoài công nghệ hàng hiệu Altec thì bề mặt kim loại chắc chắn cũng góp phần làm chất lượng âm thanh chắc, trong hơn. Bên trên, bên phải là phím bật nguồn, phím này màu sáng, có đèn nhỏ bên trong, ấn vào hơi khó vì nó không nổi hẳn lên.
Bên dưới khu vực bàn phím là touchpad và chiếu nghỉ tay. Touchpad không thấp xuống mà được phân biệt bởi đường rãnh nhỏ và màu sắc hơi khác so với chiếu nghỉ tay. Touchpad của Asus K45VM hỗ trợ đa điểm, tương đối nhạy, thiết kế giống với touchpad của Zenbook UX21E với hai phím chuột liền luôn trên bề mặt, chỉ có một đường mỏng ngắn phân giữa gây ra sự bỡ ngỡ khi sử dụng.
Khu vực chiếu nghỉ tay là một miếng nhôm xước liền mạch cho cảm giác khỏe khoắn, sang trọng. Đây là công nghệ thiết kế đặc trưng mà Asus dành cho dòng K-series giúp cho máy luôn ở trạng thái mát mẻ, nơi kê bàn tay cảm thấy thoải mái.
Asus K45VM có cấu hình khá: chip Core i7 Ivy Bridge bốn nhân (8 luồng), RAM 4 GB, ổ cứng dung lượng 750 GB và card đồ họa GeForce GT 630M 2GB sử dụng kiến trúc Kepler tiết kiệm năng lượng. Máy được trang bị hầu hết các cổng kết nối cần thiết. Hai cổng USB 3.0 cho tốc độ truyền tải nhanh hơn 2.0 khoảng 10 lần, cổng HDMI để kết nối ra tivi với chất lượng hình ảnh cao…
Cạnh trái máy có jack cắm nguồn, cổng LAN, cổng kết nối VGA, cổng HDMI, hai cổng USB 3.0 và dãy khe thoát nhiệt lớn.
Khi gập máy, nơi dày nhất là phía sau với khoảng 33mm. Mặt sau máy có nhiều khe thoát nhiệt, hai chân cao su đỡ máy ở cạnh sau với chiều cao nhỉnh hơn một chút so với hai đệm cao su ở cạnh trước tạo cho máy hơi dốc một góc khoảng 25 độ, giúp cho người sử dụng cảm thấy thoải mái hơn khi gõ lâu.
Phụ kiện và bảo hành: sách, bộ nguồn sạc, pin và đĩa cài. Máy bán ra không đi kèm túi và chuột cắm cổng USB cũng như hệ điều hành bản quyền. Thời gian bảo hành là 24 tháng chính hãng theo truyền thống của laptop Asus.
Tính năng
Những tính năng nổi bật được in trên miếng dán ở chiếc nghỉ tay bên phải. Đây là những công nghệ độc đáo của Asus đã từng được trang bị trên nhiều mẫu máy dòng K series:
- Công nghệ Asus Super Hybrid Engine II cho thời gian ngủ đông lên đến 2 tuần.
- Công nghệ Instant On: Máy luôn ở chế độ sẵn sàng khởi động lại trạng thái làm việc chỉ sau 2 giây khi đang ở chế độ chờ. Khi dung lượng pin dùng xuống dưới ngưỡng 5% máy sẽ tự động lưu dữ liệu vào ổ cứng để tránh mất mát.
- Công nghệ SuperBatt giúp cho vòng đời của cục pin tăng lên gấp 3 lần so với những máy tính thông thường và còn giúp sạc nhanh hơn khoảng 15%.
- Công nghệ làm mát IceCool giúp phần kê tay luôn mát mẻ, thoải mái khi sử dụng lâu.
Cùng với đó là những tiện ích đi kèm như:
- Smartlogon – cho phép đăng nhập vào máy bằng cách nhận diện khuôn mặt
- LifeFrame với các khung hình ngộ nghĩnh…
- Scene switch giúp bạn chuyển đổi hình nền linh hoạt, có thể tắt tiếng, chuyển đổi đầu ra, vô hiệu hóa chức năng bảo vệ màn hình, ẩn biểu tượng trên desktop.
- Splendid Utility: phần mềm giúp hiệu chỉnh màu sắc hiển thị của màn hình với các lựa chọn sẵn hoặc tự thiết lập.
- AI Recovery Burner: giúp sao lưu, backup dữ liệu.
Hiệu năng
Điều kiện test: Chúng tôi đã tắt Windows Update, tắt Windows Firewall, tắt các chế độ tiết kiệm điện (nếu có), thiết lập máy ở chế độ High Perfomance để đảm bảo máy luôn chạy ở mức hiệu suất cao nhất, chuyển các trạng thái ngắt nghỉ ổ cứng và monitor sang Never để không ảnh hưởng quá trình test. Trong tất cả các bài test hiệu năng, laptop luôn được cắm nguồn điện liên tục, ngoại trừ bài test pin sẽ được sạc đầy sau đó rút nguồn để tiến hành test.
Điểm đo hiệu năng tổng thể của máy khi đo bằng phần mềm PCMark Vantage là 8917 điểm. Đây là số điểm ở mức trung bình so với các laptop khác có cấu hình tương đương.
Với chương trình 3DMark Vantage, máy đạt được số điểm khá ấn tượng là 5284 (trung bình khoảng 3000 điểm). Trong đó điểm cho CPU là 21404.
Test khả năng đồ họa của máy với 3DMark 06, máy đạt 10251 điểm. Đây là số điểm rất ấn tượng bởi máy được trang bị card đồ họa Nvidia GeForce GT 630M 2GB. Điểm trung bình của các máy có cấu hình tương đương nhưng không có card đồ họa rời là khoảng 4500 điểm.
Chạy chương trình benchmark game Phantasy Star Online 2 đạt 1000 điểm.
Còn với chương trình benchmark game ResidentEvil5 kết quả trung bình là 58,2 khung hình/giây – chương trình xếp hiệu suất này vào hạng (rank) B.
Để đánh giá khả năng xử lý của CPU và đồ họa OpenGL theo thời gian thực, chúng tôi sử dụng chương trình Cinebench. Kết quả thêm một lần nữa ấn tượng với trung bình 28,53 khung hình/giây của OpenGL và 6,17 hình/giây của CPU. Kết quả này gấp khoảng 2 lần so với laptop thông thường.
Sử dụng phần mềm CrystalDiskMark, kết quả đọc là 98,62 MB/s, kết quả ghi là 97,69 MB/s tương đương với các laptop khác cùng cấu hình.
Test nhiệt độ và độ ồn: chạy máy với các tác vụ thông thường trong 30 phút, nhiệt độ phòng kín khoảng 27 độ C, tôi thấy máy chạy khá mát mẻ, êm ái. Đo bằng Aida64 Extreme Edition, nhiệt độ bo mạch chủ là 27 độ, còn ổ cứng là 37 độ.
Tiếp đó tôi cho fullload CPU, ổ cứng, RAM… chạy trong 30 phút, nhiệt độ trung bình của bo mạch chủ không tăng trong khi nhiệt độ ổ cứng tăng lên 41,7 độ. Quạt chạy nhanh nhưng không ồn, khe tản nhiệt bên phải tỏa luồng khí nóng và mạnh nhất. Tuy vậy, nhiệt độ vẫn ở mức tương đối dễ chịu so với nhiều máy, khu vực để tay khá mát mẻ, phần bàn phím hơi nóng hơn một chút ở khu vực quanh phím Caps Lock.
Âm thanh, giải trí và camera: như đã nói bên trên, Asus K45VM được tích hợp hệ thống âm thanh Altec Lansing vốn có đã có tiếng tăm trên thị trường về chất lượng âm thanh. Thiết kế nhiều hàng lỗ nhỏ ngay trên bề mặt trước bàn phím, nơi phát âm thanh gần như là đặc trưng của Altec. Tôi chạy thử phim và ca nhạc ở mức âm thanh tối đa thì thấy loa không bị rè, âm thanh nghe rõ ràng, hay, trong trẻo. Nếu bass sâu hơn một chút nữa thì rất tốt.
Tôi thử chơi game Crysis2 - một game đòi hỏi cấu hình khá cao, thiết lập chế độ chơi ở độ phân giải 1024 x 768 px, full màn hình, có V-SYNC, cấu hình theo hệ thống phần cứng (hardcore) thì thấy sự mượt mà, ổn định, không có hiện tượng giật, lag. Hình ảnh và âm thanh ở mức tốt.
Camera của máy thuộc loại VGA có độ phân giải 0.3MP giống như hầu hết các laptop khác nên chất lượng chỉ ở mức dùng tạm với các tiện ích đi kèm như: iFrame, smartlogon hoặc chat hình, họp conference.
Thời lượng pin: Máy sử dụng pin dung lượng 4700 mAh. Như các bài test trước, tôi sử dụng phần mềm Stress MyPC nhằm tăng liên tục hiệu suất CPU lên 100% để xem máy xử lý được trong bao lâu. Kết quả là được 1 tiếng đồng hồ. Với cấu hình của Asus K45VM thì thời gian đạt được như vậy là ở mức khá. Nếu bạn dùng để thực hiện các công việc thông thường thì thời gian đạt được khoảng 4 tiếng. Bên cạnh đó, thời gian sạc đầy pin của máy lại khá nhanh, trong khoảng 1h40' là máy sạc đầy từ lúc hết sạch pin đến khi pin báo đầy.
Đánh giá: Nguyên Bình
Biên tập: Đông Phong
Nhận xét biên tập viên
Ưu và Nhược Điểm
- Hiệu năng tốt
- Vòng đời pin lâu
- Âm thanh và giải trí tốt
- Tản nhiệt tốt
- Bàn phím tốt
- Nhiều cổng kết nối
- Touchpad sử dụng chưa thuận tiện
Nhận xét người dùng
-
{{#owner}}
-
{{#url}}
{{#avatarSrc}}
{{/avatarSrc}} {{^avatarSrc}} {{& avatar}} {{/avatarSrc}}{{name}} {{/url}} {{^url}} {{#avatar}} {{& avatar}} {{/avatar}} {{name}} {{/url}} - {{/owner}} {{#created}}
- {{created}} {{/created}}