Toshiba Portege Z830: mỏng, nhẹ, mát và mạnh

Hot
 
3.5
 
0.0 (0)
13546 0 1 0
Z Updated

Cấu Hình Chung

CPU Type
x
Kích Thước
x x

Sự xuất hiện của Z830 trên thị trường là khá kịp thời khi các hãng như Acer, ASUS đã đồng loạt ra mắt Ultrabook và dĩ nhiên Z830 sẽ cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ như Acer S3 hay ASUS Zenbook UX31. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của Z830 so với đối thủ là máy vẫn nằm trong phân khúc cao cấp, cụ thể là dòng Portege nổi tiếng của Toshiba. Vì vậy, Z830 không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt do Intel đặt ra mà còn thừa hưởng những công nghệ nổi bật của dòng Portege về bảo mật, độ bền và thiết kế. Hôm nay, mình tiếp tục gởi đến các bạn bài đánh giá chi tiết về Toshiba Portege Z830 và hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về chiếc máy cũng như những điểm mạnh, yếu của Z830.

Tổng quan và chi tiết thiết kế:

[IMG]


Nếu từng dùng qua Portege R830 thì chắc chắn bạn sẽ tìm thấy nét tương đồng về thiết kế trên Z830. Máy có thiết kế vuông vức, sắc cạnh và thanh lịch. Đây là những đặc điểm vốn có của dòng Portege vốn tập trung vào đối tượng người dùng là doanh nhân. Mặc dù không "sexy" như MacBook Air nhưng khi bắt gặp Z830, bạn sẽ thực sự bị cuốn hút bởi một vẻ đẹp rất riêng. Thêm vào đó, Z830 còn khiến nhiều người bất ngờ khi cầm trên tay. Theo thông số kĩ thuật thì Z830 có trọng lượng 1,12 kg nhưng khi cầm lên, bạn sẽ cảm thấy máy rất nhẹ, nhẹ như một cuốn tập và không thể nghĩ được là mình đang cầm một chiếc laptop. Vì vậy, Z830 thực sự là một người kế thừa hoàng hảo của Portege R830 về tính siêu di động.

Vỏ máy được làm bằng hợp kim magie vừa nhẹ vừa tạo nên vẻ đẹp kim loại. Toàn thân máy được phủ một màu xám tro. Lớp vỏ máy hơi nhám và không để lại dấu vân tay, qua đó tạo nên sự chắc chắn khi di chuyển máy. 

Bàn phím và bàn rê:

[IMG]


Mở máy ra, bên trong là khu vực bàn phím rộng rãi và bố cục cân đối. Layout phím vẫn rất thân thuộc và hành trình phím vừa phải giúp chúng ta làm quen với phím nhanh. Thêm vào đó, các phím có độ nẩy tốt cho cảm giác bấm rất thực, chính xác và khó bị nhầm phím. Một điểm đáng tiếc với chiếc bàn phím của Z830 là việc không hỗ trợ đèn nền LED mặc dù phím có thiết kế chiclet. Tuy nhiên, bù lại thì bàn phím lại có tính năng chống tràn và chịu được tối đa 30 ml nước. *Được biết: phiên bản dành cho thị trường nước ngoài thì bàn phím lại có đèn backlit.

[IMG]


Bên dưới khu vực bàn phím là bàn rê đa điểm rộng rãi và có thiết kế tương tự R830. Bàn rê cũng có màu xám như vỏ máy nhưng bề mặt phủ nhám cho cảm giác chạm tốt hơn. Bàn rê của Z830 cũng hỗ trợ các thao tác đa điểm như cuộn bằng 2 ngón, pinch-to-zoom, xoay lật hình ảnh hoặc Back/Forward bằng 3 ngón, v.v... 2 phím chuột trái/phải được thiết kế cân đối và được mạ chrome sáng. Giữa 2 phím chuột là cảm biến vân tay đặc trưng của dòng Portege. Việc tích hợp cảm biến vân tay vào cụm phím chuột giúp tiết kiệm không gian và tạo khoảng ngăn cách giữa 2 phím. Viền bao quanh cụm phím chuột cũng có thêm các đèn báo tình trạng máy như đèn sạc, nguồn, pin, ổ cứng, wifi, kết nối băng thông rộng và Eco. Nhắc về Eco thì đây là tính năng tiết kiệm pin độc quyền của Toshiba và để kích hoạt, bạn có thể nhấn vào nút Eco nằm cạnh nút Power phía trên bàn phím.

Khu vực chiếu nghỉ tay của Z830 khá rộng rãi và mát, đảm bảo sự thoải mái khi làm việc trong thời gian dài. Tuy nhiên, một điểm chưa đẹp trên khu vực bàn rê chính là những con tem. Nếu như ASUS đã cố ý đổi màu tem cho tiệp với màu máy thì Z830 lại giữ nguyên và có phần nhiều tem hơn. 

Màn hình:

[IMG]


Trước khi nói đến chất lượng màn hình thì mình cũng mô tả sơ lược về thiết kế màn hình. Bản lề của Z830 là bản lề nổi được mạ bạc. Mặc dù trông hơi "thô" đối với một chiếc Ultrabook nhưng bản lề như vậy sẽ đảm bảo độ bền và cho góc mở màn hình rộng hơn. Viền màn hình mỏng 2 bên nhưng lại hơi dày ở trên và dưới. Nếu làm mỏng hơn một chút và cụm webcam được trau chuốt kĩ hơn thì Z830 sẽ trông hấp dẫn hơn rất nhiều. Một điểm chưa ưng ý đối với thiết kế màn hình của Z830 nữa là hơi "yếu đuối". Do cạnh màn hình rất mỏng, chất liệu vỏ lại là hợp kim magie có độ đàn hồi tốt nên khi chúng ta dùng tay mở màn hình lên, màn hình sẽ bị cong. Bạn sẽ có cảm giác màn hình như một tấm nhựa dẻo có thể uốn nắn được và đặc biệt khi gõ máy, màn hình sẽ rung liên tục vì thiết kế hơi lỏng lẻo này.

[IMG]


Về chất lượng màn hình, Z830 có màn hình 13,3" matte. Với loại màn hình này thì bạn có thể làm việc ngoài trời mà không bị chói. Độ phân giải màn hình là 1366 x 768 thấp hơn so với ASUS Zenbook nhưng chất lượng hình ảnh vẫn rất tốt với độ hiển thị màu trung thực, sắc nét và sâu. Có lẽ vì chú trọng đến đối tượng người dùng là doanh nhân nên màn hình của Z830 không cho góc quan sát rộng, góc nhìn sẽ không quá 45 độ nếu nhìn từ 2 bên. Đặc tính màn hình của Z830 khá tương đồng với người tiền nhiệm R830.

[IMG]
Webcam.


Giao tiếp và kết nối:

[IMG]
Z830 sở hữu hầu như đầy đủ các kết nối như VGA, HDMI, USB 2.0 x2 và LAN.


Bỏ qua những thiếu sót về thiết kế, điểm gây ấn tượng nhất trên Z830 chính là sự đầy đủ về các kết nối. Nếu như ASUS Zenbook hay một số Ultrabook khác phải giảm bớt hay thu nhỏ cổng kết nối để tối ưu độ mỏng thì Z830 vẫn giữ nguyên kích thước cổng kết nối tiêu chuẩn. Cụ thể, phía sau máy, chúng ta có cổng VGA, 2 cổng USB 2.0, 1 cổng HDMI tiêu chuẩn và 1 cổng LAN. Bên cạnh trái, Z830 có 2 jack cắm tai nghe/mic và khe đọc thẻ. Cạnh phải thì có thêm 1 cổng USB 3.0. Vì vậy, với trang bị đầy đủ các cổng đã nêu thì Z830 không hề thua kém các notebook hiện tại với kích thước lơn hơn, ngoại trừ việc Z830 không có ổ đĩa quang. Z830 cũng được trang bị đầy đủ các kết nối không dây như WiFi b/g/n và đặc biệt là Bluetooth 3.0 với tốc độ truyền tải nhanh hơn.

[IMG]
Cạnh trái với jack tai nghe/mic và khe cắm thẻ nhớ.

[IMG]

[IMG]

[IMG]
Cạnh phải với duy nhất cổng USB 3.0.

[IMG]


Âm thanh:

[IMG]

[IMG]
2 loa nằm khuất dưới rìa trước máy.


Z830 được trang bị 2 loa nhỏ nằm khuất dưới rìa trước của máy. Mặc dù vậy, chất lượng âm thanh của Z830 khá tốt, âm trong và không rè khi mở lớn nhờ vào công nghệ Toshiba Audio Enhancement. Vì vậy, loa của Z830 có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí không quá cao của người dùng như xem những bộ phim HD hay nghe nhạc số. Tất nhiên là Z830 vẫn nằm trong phân khúc doanh nhân nên chúng ta không thể so sánh về âm thanh của Z830 với các dòng chuyên về giải trí như Qosmio cùng hệ thống loa Harman/Kardon. 

Độ ồn và độ nóng:

[IMG]
Quạt tản nhiệt và khe tản nhiệt có lưới lọc bụi.


Phần này mình chỉ nói qua "cho có" bởi thực ra Z830 vận hành rất êm nhờ vào ổ cứng SSD. Máy cũng có quạt tản nhiệt nhưng ngay cả khi mình áp sát tai vào quạt thì cũng chỉ nghe tiếng quạt quay rất nhỏ và không cảm thấy nóng nếu cho máy vận hành với các tác vụ bình thường. Nếu xem phim HD hoặc chơi game thì khu vực này chỉ hơi hơi ấm. Nhìn chung, Z830 mỏng nhưng rất mát và có thể nói Toshiba đã giải quyết rất tốt khâu tản nhiệt trên Z830 nhờ vào cấu trúc tổ ong mà hãng đã giới thiệu trong buổi ra mắt hồi đầu tháng. Vì vậy, Z830 sẽ là một mẫu Ultrabook lý tưởng để bạn có thể mang đi, đặt máy trên đùi và làm việc trong thời gian dài. 

[IMG]


Pin:

Z830 được trang bị gói pin 8-cell tích hợp bên trong máy. Mình đã thử nghiệm thời gian sử dụng và có được kết quả như sau. Mình bắt đầu sử dụng máy từ 11:20 AM (94% pin) với WiFi bật, lướt web, soạn thảo văn bản liên tục, nghe vài bài nhạc bằng loa ngoài với âm lượng tối đa để test loa, độ sáng khoảng 70% thì đến 3:30 PM là máy báo sạc pin (7% pin). Vậy là pin của Z830 nếu sử dụng bình thường thì đáp ứng được khoảng 4 giờ 10 phút. Nếu sử dụng ở chế độ Eco thì pin có thể kéo dài đến 6 giờ với mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu.

Thêm vào đó, Z830 mất khá lâu để sạc đầy pin. Mình cắm sạc từ lúc 11:36 PM (19% pin) thì phải đến 2:35 AM máy mới được sạc đầy 100%. Vậy là Z830 mất hơn 3 giờ để sạc đầy gói pin 8-cell.

Phần cứng:

Toshiba Z830 có cấu hình khá tốt, tóm tắt về cấu hình chúng ta có:

  • CPU: Intel Core i5-2467M 1.60 GHz 2 lõi 4 luồng, 3M Cache L3, có thể Turbo Boost lên 2.3 GHz;
  • GPU: Intel HD Graphics 3000;
  • RAM: 6 GB DDR3 SDRAM 1333 MHz;
  • SSD: Toshiba 128 GB;
  • OS: Windows 7 Professional 64-bit.

 

[IMG]

[IMG]

[IMG]


Nói về CPU Core i5-2467M thì đây là dòng vi xử lý Core i thế hệ 2 (Sandy Bridge) sản xuất trên dây chuyền 32 nm và được Intel phát hành từ quý 2 năm nay. Với thế hệ Sandy Bride, CPU Core i5-2467M được trang bị nhiều công nghệ xử lý tiên tiến đáng chú ý như Intel Turbo Boost Technology: tăng tối đa xung nhịp của lõi xử lý và được kích hoạt khi hệ điều hành yêu cầu hiệu suất xử lý cao hơn; Intel Hyper-Threading Technology: sử dụng tài nguyên xử lý hiệu quả hơn, cho phép nhiều luồng cùng chạy trên mỗi lõi qua đó nâng cao hiệu suất xử lý tổng thể trên mỗi phần mềm và công nghệ ảo hóa Intel Virtulization Technology.

Core i5-2467M cũng được tích hợp bộ xử lý đồ họa Intel HD Graphics 3000 với các tính năng như:

  • Intel Quick Sync Video: đơn giản hóa và tăng tốc quy trình xử lý video kĩ thuật số. Tính năng Quick Sync Video được tích hợp vào tất cả các dòng chip Intel Core thế hệ 2. Với tính năng này, bạn có thể nhanh chóng tạo các đĩa DVD, Blu-ray, biên tập, chuyển đổi định dạng video đặc biệt là video HD với tốc độ gấp đôi.
  • Intel InTru 3D Technology: hỗ trợ hiển thị hình ảnh 3D với kính 3D màn trập chủ động (Z830 không có màn hình 3D), cho phép truyền tải chất lượng video 1080p, hình ảnh HD sang TV qua cổng HDMI 1.4.
  • Intel Insider: công nghệ được trang bị trên tất cả các vi xử ký Core i thế hệ 2, cho phép truyền tải nội dung số với độ phân giải cao ra màn hình lớn hơn bên ngoài.
  • Intel Wireless Display: cho phép người dùng thưởng thức các nội dung số trên màn hình lớn qua kết nối không dây.
  • Intel Clear Video HD Technology: giúp mang lại trải nghiệm nội dung đa phương tiện với chất lượng tuyệt hảo nhờ vào việc sử dụng hàng loạt công nghệ đồ họa tiên tiến, tối ưu hóa khi chơi các đoạn video và tạo độ sắc nét cho hình ảnh.


Với CPU Core i5-2467M cùng RAM 6 GB, Z830 xử lý mượt mà từ các tác vụ cơ bản đến phức tạp đòi hỏi nhiều tài nguyên. Thêm vào đó, tốc độ truy xuất nhanh của ổ cứng SSD cũng giúp rút ngắn thời gian khởi động máy. Mình đã thử nghiệm khởi động máy qua các chế độ như sau:

  • Máy tắt hoàn toàn, tính từ thời điểm bấm nút nguồn đến lúc vào hẳn Windows là 19 giây;
  • Máy ở chế độ Sleep, tính từ thời điểm bấm nút nguồn đến lúc trở vào màn hình Log Screen khoảng 2 giây;
  • Máy ở chế độ Hibernate, chọn chế độ Hi-Speed Start Mode, tính từ thời điểm bấm nút nguồn đến lúc trở lại màn hình Windows là 15 giây;
  • Máy đang hoạt động, nhấn Shutdown để tắt hẳn máy thì chỉ mất khoảng 13 giây.


Nhìn chung, tốc độ khởi động và tắt máy của Z830 là rất nhanh. Người dùng sẽ không phải chờ đợi lâu khi muốn làm việc ngay lập tức như sử dụng các notebook thông thường. 

Ngoài đánh giá về tốc độ khởi động/tắt máy, mình cũng đánh giá hiệu suất xử lý của CPU Core i5-2467M và năng lực đồ họa.

[IMG]


Điểm Windows Experience Index, Z830 đạt 5,4 điểm - dựa trên thang điểm thấp nhất và ở đây thuộc về đồ họa hiệu suất desktop với giao diện Windows Aero. Các điểm còn lại như điểm xử lý, bộ nhớ RAM, chơi game và ổ cứng đều từ 6,2 đến 7,3 điểm. 

[IMG]


Đối với nội dung PCMark Vantage x64, Z830 đạt điểm khá cao với 8415 điểm. Trong đó, các điểm về âm thanh (Music Score), giao tiếp (Communication Score) đều hơn 9000 điểm. Đặc biệt điểm hiệu suất làm việc (Productivity Score) lên đến 10209 và điểm ổ cứng (HDD Score) đến 15915 điểm. Qua những điểm số kể trên thì có thể nói Z830 vừa là một cổ máy văn phòng mạnh mẽ, vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dùng.

[IMG]


Do Z830 chỉ được tích hợp GPU Intel HD Graphics 3000 nên mình chỉ đánh giá sơ qua với phần mềm benchmark 3DMark Vantage thay vì phiên bản chuyên về đồ họa như 3DMark 11. Kết quả cho thấy năng lực xử lý đồ họa của GPU được chấm 1702 điểm. Một mức điểm hợp lý đối GPU tích hợp như HD 
Graphics 3000. 

[IMG]


Kết quả benchmark bằng Cinebench cho thấy: với bài thử OpenGL, GPU của Z830 có khả năng xử lý 8,74 khung/giây và với bài thử CPU, Core i5-2467M được chấm 1,92 điểm. 

[IMG]


Như đã nói ở trên, Z830 được trang bị ổ cứng thể rắn SSD Toshiba THNSNB128GMCJ dung lượng 128 GB. Kết quả benchmark tốc độ đọc/ghi của ổ cứng bên dưới cho thấy:

[IMG]


Mặc dù cũng được trang bị ổ cứng SDD 128 GB nhưng tốc độ truy xuất của SSD vẫn chưa thật sự tốt. Tốc độ đọc của ổ SSD trên Z830 là 182,6 MB/s trong khi tốc độ ghi là 48,73 MB/s. Nếu so với ổ SSD của ASUS Zenbook, tốc độ đọc ghi của ổ SanDisk trên Zenbook lần lượt là 453,5 MB/s và 284,5 MB/s. Mình vẫn chưa thực sự tin tưởng về kết quả này lắm bởi nếu xét về tốc độ ghi thì SSD của Z830 thậm chí còn thua một ổ cứng HDD 7200 vòng/phút.

Phần mềm:

Tương tự các model thuộc dòng Portege, Z830 được cài sẵn một số phần mềm đặc trưng như:

[IMG]


Toshiba Assist: bộ công cụ hỗn hợp cho phép bạn quản lý và tùy chỉnh các kết nối, phần cứng, bật tắt tính năng sạc qua cổng USB (Sleep-n-Charge), v.v...

[IMG]


Toshiba Bulleting Board: ứng dụng tạo bảng ghi chú, đồng bộ với Evernote và nhiều tính năng quản lý, giải trí.

[IMG]


Toshiba ReelTime: ứng dụng cho phép bạn xem lại các văn bản, hình ảnh, video đã mở trong khoảng thời gian từ 3 ngày trở lại.

[IMG]


Toshiba PC Health Monitor: tiện ích giúp giám sát tình trạng hệ thống như pin, mức tiêu thụ năng lượng, nhiệt độ CPU, nhiệt độ toàn hệ thống, tốc độ quạt và ổ cứng SSD.

[IMG]


Toshiba Sync: đây là một tiện ích mới cho phép bạn đồng bộ các tập tin và thư mục từ xa tương tự Dropbox.

[IMG]


Và cuối cùng là Toshiba Eco: ứng dụng giúp theo dõi mức tiêu thụ năng lượng khi sử dụng ở chế độ Ballance và Eco.

Lời kết:

Toshiba Portege Z830 là một chiếc máy thu hút được nhiều sự chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mặc dù không trẻ trung như ASUS Zenbook nhưng Z830 lại mang đến vẻ đẹp thanh lịch cần thiết cho một doanh nhân. Mỏng nhẹ nhưng đầy đủ kết nối cùng hiệu năng vận hành cao là những đặc điểm đáng chú ý trên Z830. Thêm vào đó, do vẫn nằm trong dòng Portege thuộc phân khúc cao cấp nên Z830 được thừa hưởng đầy đủ các công nghệ bảo mật, công nghệ bảo vệ EasyGuard và nhiều đặc tính vốn từ lâu đã làm nên thương hiệu Portege. Thiết nghĩ nếu bạn đã từng dùng qua dòng Portege R830 thì Z830 sẽ khiến bạn suy nghĩ về việc liệu có nên nâng cấp lên hay không. Được biết, Z830 với cầu hình trên sẽ được bán ra với mức giá khoảng 32 triệu 300 ngàn VNĐ.

Nhận xét biên tập viên

1 review
Đánh Giá
Đánh giá tổng thể
 
3.5
Thiết Kế - Design
 
4.0
Tính Năng - Feature
 
3.0
Hiệu Suất - Performance
 
3.0
Thời Lượng Pin - Battery Life
 
4.0
Dịch Vụ & Hỗ Trợ
 
3.5
Sự xuất hiện của Z830 trên thị trường là khá kịp thời khi các hãng như Acer, ASUS đã đồng loạt ra mắt Ultrabook và dĩ nhiên Z830 sẽ cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ như Acer S3 hay ASUS Zenbook UX31. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của Z830 so với đối thủ là máy vẫn nằm trong phân khúc cao cấp, cụ thể là dòng Portege nổi tiếng của Toshiba. Vì vậy, Z830 không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt do Intel đặt ra mà còn thừa hưởng những công nghệ nổi bật của dòng Portege về bảo mật, độ bền và thiết kế. Hôm nay, mình tiếp tục gởi đến các bạn bài đánh giá chi tiết về Toshiba Portege Z830 và hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về chiếc máy cũng như những điểm mạnh, yếu của Z830.

Ưu và Nhược Điểm

Ưu Điểm
+ Thiết kế mỏng, nhẹ, sang trọng, lịch lãm;
+ Nhiều cổng kết nối tiêu chuẩn;
+ Pin khá tốt, vận hành mát mẻ, không ồn;
+ Màn hình chống chói, sáng và hiển thị rõ ràng;
+ Bàn phím và bàn rê dễ sử dụng;
+ Tích hợp nhiều công nghệ về độ bền
+ Cấu hình khá tốt.
Nhược Điểm
- Thiết kế màn hình hơi lỏng lẻo, dễ cong khi mở ra đóng vào;
- Thời gian sạc lâu;
- Tốc độ truy xuất ổ cứng SSD vẫn hơi chậm.
Tố cáo đánh giá này Bình luận (0) | Nhận xét này có hữu ích cho bạn không? 0 0

Nhận xét người dùng

Chưa có đánh giá nào cho mục tin này.
Đã có tài khoản? hoặc Create an account