Acer Aspire E1-571: Laptop cho sinh viên, 15.6", Core i3 Ivy Bridge, giá 8,4 triệu

Hot
 
3.1
 
0.0 (0)
2367 2 1 0
Z Updated

Thông tin sản phẩm

Series
Aspire
Model
Aspire E1-571
Bảo Hành
12

Cấu Hình Chung

CPU Type
Intel Core i3-3110M x 2.4Ghz
Tốc độ CPU
2.4Ghz
Màn Hình
15.5"
Dung Lượng Bộ Nhớ
2GB
Dung Lượng Ổ Cứng
500GB
Card Đồ Họa
Intel HD Graphics 4000
Kích Thước
x x

Nhắc đến Acer, chúng ta thường biết đến một thương hiệu máy tính với nhiều sản phẩm đa dạng và mức giá phải chăng. Năm nay, Acer đã giới thiệu loạt sản phẩm mới chạy Windows 8 trải dài trên nhiều phân khúc từ cao cấp như dòng Aspire S đến trung cấp như Aspire V và bình dân như Aspire E




Thiết kế tổng thể, bàn phím & bàn rê, cổng kết nối:


Acer_Aspire_E1-571 (2).
 
Là một sản phẩm giá rẻ nên chúng ta không thể đòi hỏi một chiếc máy được hoàn thiện tinh xảo với các vật liệu cao cấp như nhôm trên Aspire E1-571. Toàn bộ máy được chế tạo với chất liệu nhựa với thiết kế rất truyền thống. Mặt ngoài nắp máy là một lớp nhựa bóng màu xám tro kèm logo Acer đặt chính giữa khá đơn điệu. Viền màn hình bên trong vẫn là nhựa đen bóng nhưng các cạnh viền được vát chéo, trông thẩm mỹ hơn. Chính vì thiết kế này khiến toàn bộ màn hình có cảm giác liền mảnh và chắc chắn khi cầm để mở ra, độ dày của màn hình đo được khoảng 8 mm.

Acer_Aspire_E1-571 (3).
 
Màn hình được gắn với phần dưới bằng bản lề chìm bằng nhựa nhưng góc mở của màn hình khá rộng, khoảng 150 độ. Theo mình nghĩ, góc mở rộng sẽ rất cần thiết cho các bạn sinh viên khi cần để máy trên bàn, chia sẻ một nội dung học tập như bài giảng, biểu đồ, v.v… với những bạn xung quanh.

Acer_Aspire_E1-571 (17).
 
 
Tiếp theo, bên trong Aspire E1-571 là bàn phím dạng full với cả bàn phím số Numpad. Một chiếc máy với cỡ màn hình 15,6" nhưng thiết kế của Aspire E1-571 không thể tối giản và đơn giản hơn nên phần bàn phím cũng không được trau chuốt hay bố trí thoải mái như những chiếc máy cùng cỡ khác. Cụ thể, bàn phím của máy rất cơ bản, không phải chiclet hay half-chiclet. Khu vực phím số cũng được làm liền với khu vực phím ký tự chính, không có đường gờ phân tách. Tuy nhiên, các phím vẫn có khoảng cách cần thiết và thiết kế phím có độ nảy mang lại cảm giác gõ rất dễ chịu và không mất thời gian làm quen. Mình đã từng dùng qua nhiều loại phím chiclet nhưng theo cá nhân mình, thiết kế cổ điển như bàn phím của Aspire E1-571 vẫn khiến mình thích nhất bởi tốc độ gõ cao và khả năng "lướt" kí tự dễ dàng.

Mặc dù vậy, chính vì tiết kiệm tối đa khoảng trống nên các nút điều hướng cũng được làm nhỏ lại, kèm theo đó là 2 nút ký tự tiền tệ $ và € được xếp ngay phía trên 2 nút mũi tên trái/phải khiến dễ bấm nhầm. Nếu như Acer bỏ 2 nút này và thay vào đó là 2 miếng nhựa phân cách thì layout phím sẽ hợp lý hơn. Thêm vào đó, bàn phím của Aspire E1-571 cũng được tích hợp nhiều phím chứng năng Fn như cụm phím đa phương tiện Play/Pause, Stop, Back/Forward được nhét vào 4 phím Home, Page Up/Down và End trong khi các chức năng Volume Up/Down, Brightness Up/Down được đưa vào các phím điều hướng. Qua đó, việc điều chỉnh độ sáng, âm lượng cũng như nội dung đa phương tiện có thể thực hiện dễ dàng hơn qua các phím tổ hợp này.

Acer_Aspire_E1-571 (11).

Bên dưới bàn phím là bàn rê đa điểm kích thước khoảng 8,7 x 6 cm. Chiếc bàn rê này cũng rất cơ bản, không phủ kiến, không clickpad như những dòng máy cao cấp và được sơn màu xám bạc tương ứng với khu vực chiếu nghỉ tay. Do được cài sẵn Windows 8 bản quyền nên bàn rê cũng hỗ trợ đầy đủ các thao tác cử chỉ (gesture) của hệ điều hành này, bên cạnh đó là các tính năng như cuộn 2 ngón, phóng to thu nhỏ, click 3 ngón để chuyển ứng dụng. Bên dưới bàn rê là 2 nút chuột được làm liền mảnh nhưng dễ bấm.

Acer_Aspire_E1-571 (13).
 
Acer Aspire E1-571 sở hữu các kết nối tiêu chuẩn nhưng đáng tiếc là không có cổng USB 3.0. Máy có 2 cổng xuất video là HDMI và VGA, 3 cổng giao tiếp USB 2.0, 1 khe đọc thẻ, 1 cổng LAN và 2 cổng tai nghe/mic. Các cổng đều được bố trí trên 2 cạnh máy. Khoảng cách giữa các cổng khá nhỏ nên khi bạn cắm 1 chiếc USB có kích thước hơi lớn 1 chút thì cổng còn lại sẽ bị che mất, khá bất tiện. Thêm vào đó, máy cũng không được trang bị kết nối Bluetooth.

Nhìn chung, thiết kế của Acer Aspire E1-571 khá đơn giản, cơ bản và chắc chắn. Trải nghiệm gõ phím và bàn rê trên máy tương đối tốt, không tồi tệ như suy nghĩ ban đầu của mình về một chiếc máy giá rẻ.

Hình ảnh và âm thanh:
 
Aspire_E1_Màn_hình_01.

Acer Aspire E1-571 được trang bị màn hình 15,6" TFT LCD độ phân giải 1366 x 768 px. Đây là trang bị phổ biến đối với những chiếc laptop tầm trung và giá rẻ. Chất lượng hiển thị hình ảnh của màn hình ở mức khá, màn hình rất sáng, màu sắc bão hòa, rất phù hợp cho các tác vụ hàng ngày, xem phim và chơi game đơn giản. Nhược điểm của màn hình này là khả năng tái tạo màu đen, sắc đen không thẳm và nếu sử dụng một tấm hình nền màu xám, bạn sẽ thấy màu sắc bị quá sáng. Thêm vào đó, là màn hình gương nên Aspire E1-571 không phù hợp để sử dụng ngoài trời bởi màn hình sẽ bị chói khó quan sát.

Về góc nhìn màn hình, góc nhìn 2 bên của màn hình khá tốt và tùy thuộc vào độ sáng màn hình. Trong khi đó, góc nhìn dưới lên trên xuống lại khá kém. Tuy vậy, do góc mở màn hình rộng nên bạn có thể điều chỉnh sao cho hình ảnh được hiển thị tốt nhất.

Aspire E1-571 thuộc phân khúc giá rẻ nên máy không được trang bị công nghệ âm thanh Dolby Digital như các dòng máy tầm trung trở lên của Acer. Vì vậy, chất lượng âm thanh của Aspire E1-571 chỉ trung bình, âm lượng đầu ra nhỏ, thiên về treble và không giàu chi tiết.

Hiệu năng:

Phiên bản Aspire E1-571 mình dùng để đánh giá có cấu hình trung bình. Điểm nhấn đáng chú ý với chiếc máy tính giá rẻ này là được cài sẵn Windows 8 64-bit bản quyền và dùng vi xử lý Core I thế hệ 3 của Intel. Dưới đây là cấu hình chi tiết:

Speccy.PNG
  • HĐH: Windows 8 64-bit;
  • CPU: Intel Core i3-3110M, xung nhịp 2,4 GHz;
  • GPU: Intel HD Graphics 4000;
  • RAM: 2 GB DDR3;
  • HDD: Toshiba 500 GB 5400 rpm;
  • ODD: DVD-Super Multi DL.
CPUBoss_i3-2370M-3110M.PNG

Về phần CPU Intel Core i3-3110M, đây là dòng chip được sử dụng khá phổ biến trên các mẫu laptop giá dưới 10 triệu như Dell Inspiron 3420/Vostro V2420, Asus K45A/K55A, Lenovo IdeaPad G480. Core i3-3110M là vi xử lý thế hệ Ivy Bridge lõi kép, 4 luồng, xung nhịp 2,4 GHz không hỗ trợ Turbo Boost với bộ nhớ đệm L3 3 MB. Thử so với một CPU Core i3 thế hệ Sandy Bridge với xung nhịp và bộ đệm L3 tương tự là Core i3-2370M, kết quả benchmark từ CPUBoss cho thấy sự chênh lệch về hiệu năng không quá nhiều. Điểm xử lý đa lõi/đơn lõi của Core i3-3110M cao hơn i3-2370M chỉ 0,1 điểm, mức tiêu thụ năng lượng vẫn 35 W nhưng về các thông số thì Core i3-3110M hỗ trợ tối đa 32 GB trong khi i3-2370M chỉ hỗ trợ tối đa 16 GB. Thêm vào đó, là CPU thế hệ Ivy Bridge nên Core i3-3110M tích hợp chip đồ họa HD Graphics 4000 tốt hơn so với HD Graphics 3000 của Core i3-2370M .

WEI.PNG

Với cấu hình trên, Windows Experience Index đánh giá Aspire E1-571 đạt 4,6 điểm. Kết quả này được chấm dựa trên mốc điểm thấp nhất về hiệu năng đồ họa Desktop, các điểm khác như hiệu năng xử lý CPU đạt 6,9 điểm, hiệu năng đồ họa 3D và game đạt 6,2 điểm, riêng 2 điểm bộ nhớ RAM và tốc độ truyền tải dữ liệu của ổ cứng đạt lần lượt 5,5 và 5,9 điểm. Mốc điểm này chỉ trung bình bởi Aspire E1-571 chỉ có RAM 2 GB và ổ cứng Toshiba có tốc độ vòng quay chỉ 5400 rpm. Qua kết quả WEI, rõ ràng Acer Aspire E1-571 không phải là một chiếc máy nặng về giải trí hay chơi game mà hiệu năng mà nó đem lại chỉ đơn thuần phục vụ cho công việc hàng ngày, phù hợp với đối tượng học sinh sinh viên. Tuy nhiên, mình cũng thử benchmark bằng các phần mềm như 3DMark 11 2013, 3DMark 11 v1.0.5 và PCMark 7 để kiểm tra "thực lực" của Aspire E1-571.

3DMark 11 2013:

3DMark11_01.PNG

3DMark 11 2013 là một phần mềm benchmark đồ họa mới, khá nặng và hơi quá sức đối với Aspire E1-571. Máy thực hiện tốt bài test Ice Storm với số điểm 29.569 điểm. Tiếp đến với bài test Cloud Gate, Aspire E1-571 đạt 2961 điểm và đến bài test Fire Strike thì máy không thể thực hiện được do quá tải. Tuy nhiên, nếu so sánh kết quả với một chiếc máy tính dùng Core i3-2375M, 4 GB RAM với Windows 8 64-bit thì kết quả này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, chiếc HP TouchSmart 14 Sleekbook mình từng benchmark chỉ đạt 11.615 điểm với bài test Ice Storm và 931 điểm với bài test Cloud Gate.

3DMark 11 v1.0.5:

3DMark11_So_sánh.PNG

Đánh giá hiệu năng đồ họa với 3DMark 11 v1.0.5, Aspire E1-571 đạt 535 điểm ở chế độ Performance (P). Đây là chế độ test trung bình cho các máy tính không dùng card đồ họa rời. Điều ngạc nhiên là điểm số của Aspire E1-571 còn cao hơn cả chiếc Ultrabook Acer Aspire P3 với 441 điểm và có thể sánh ngang với Microsoft Surface Pro với 552 điểm. Cả 2 chiếc máy cao cấp vừa nêu đều dùng CPU Core i5 thế hệ 3 của Intel và GPU HD Graphics 4000. Lý giải cho việc Aspire E1-571 có điểm 3DMark 11 v1.0.5 cao hơn Aspire P3 dùng Core i5-3339Y là tần số render đồ họa. Core i5-3339Y là một CPU siêu tiết kiệm điện năng với chỉ 13 W TDP trong khi Core i3-3110M tiêu thụ 35 W TDP. Thêm vào đó, cùng sử dụng GPU tích hợp HD Graphics 4000 nhưng tần số render của Core i5-3339Y là 350/850 MHz trong khi của Core i3-3110M là 650 MHz/1 GHz.

PCMark 7:

PCMark7_So_sánh.PNG
 
Tuy nhiên, với bài test PCMark 7, Aspire E1-571 lộ rõ điểm yếu của một chiếc máy tính Core i3 với chỉ 2 GB bộ nhớ RAM. Cụ thể, máy chỉ đạt 2307 điểm. Thử so sánh điểm benchmark PCMark 7 với một số mẫu máy không dùng card rời khác như Toshiba Satellite U840W (Core i5-3317U, 6 GB RAM, ổ lai Hitachi 5400 rpm); HP TouchSmart 14 Sleekbook (Core i3-2375M, 4 GB RAM, ổ Toshiba 5400 rpm); Acer Aspire P3 (Core i5-3339Y, 2 GB RAM, ổ SSD); Microsoft Surface Pro (Core i5-3317U, 4 GB RAM, ổ SSD); Dell XPS 12 (Core i5-3317U, 4 GB RAM, ổ SSD), kết quả cho thấy Aspire E1-571 chỉ nhỉnh hơn so với chiếc HP TouchSmart 14 Sleekbook dùng Core i3 thế hệ Sandy Bridge. Lần này, Aspire P3 mặc dù có 2 GB RAM tương tự nhưng đã vượt hẳn về điểm số nhờ CPU Core i5.

Thực tế sử dụng cho thấy Aspire E1-571 có thể đáp ứng nhu cầu làm việc đa tác vụ thông thường, hiện tượng lag vẫn diễn ra do máy được cài sẵn Windows 8 64-bit nhưng chỉ có 2 GB bộ nhớ RAM. Thông thường, một chiếc máy dùng Windows 8 64-bit cần ít nhất 4 GB RAM để hoạt động mượt mà. Vì vậy, để toàn hệ thống hoạt động hiệu quả hơn thì mình buộc phải tắt bớt một số hiệu ứng đồ họa Desktop và hiển thị. Trong khi đó, tốc độ đọc ghi của ổ cứng Toshiba 5400 rpm khá tốt với 100,8 MB/s (đọc) và 91,47 MB/s (ghi). Dĩ nhiên tốc độ này vẫn rất chậm so với các ổ SSD nhưng một chiếc máy giá rẻ như Aspire E1-571 thì SSD là một thứ quá xa xỉ.

Pin và nhiệt:

Acer_Aspire_E1-571 (15).
 
Acer Aspire E1-571 được trang bị pin 6 cell (4400 mAh). Theo Acer thì pin này cho phép sử dụng tối đa 4 giờ 50 phút và mình đã thử nghiệm thực tế như sau:
  • Chế độ pin Balanced, bắt đầu từ 12:58 (68% pin), độ sáng màn hình 50%, WiFi bật, mở 8 tab Chrome để duyệt web, soạn thảo văn bản với OneNote, các ứng dụng chạy ngầm khác như Skype, Facebook Chat vẫn để mặc định. Kết thúc lúc 15:04, pin còn 10% và báo cắm sạc.
Như vậy, có thể suy ra trong khoảng thời gian 2 tiếng, Aspire E1-571 tiêu tốn hết 58% pin. Nếu để sạc đầy và sử dụng thì pin của máy có thể đạt thời lượng xấp xỉ 4 tiếng. Tuy nhiên, thử nghiệm này chỉ dựa trên trải nghiệm làm việc của mình trên Aspire E1-571, nếu các bạn có nhu cầu thực hiện nhiều tác vụ hơn thì thời lượng pin sẽ ngắn hơn.

Về nhiệt độ, Acer Aspire E1-571 vận hành khá mát mẻ mặc dù chất liệu tạo nên máy toàn bằng nhựa. Nhiệt độ CPU ổn định mở mức từ 47 độ C ở trạng thái không tải và tối đa 52 độ C ở trạng thái tải vừa với các tác vụ như xem video trên YouTube, duyệt 10 tab Chrome. Qua thời gian sử dụng liên tục để test pin, điểm phát sinh nhiệt mà mình cảm nhận được là ngay tại khu vực chiếu nghỉ tay bên phải bàn rê, phía trên ổ cứng. Tuy nhiên, độ nóng không đáng kể, mình vẫn có thể để tay ở đây và gõ phím bình thường.

Tổng kết:

Như đã nêu ở đầu bài, Acer Aspire E1-571 là một chiếc laptop giá rẻ dành cho học sinh sinh viên giáo viên. Vì vậy, ngoại hình, phần cứng của máy không thuộc hàng cao cấp như những dòng máy đắt tiền hơn. Tuy vậy, nếu xét về khả năng đáp ứng nhu cầu học tập làm việc đơn giản của các bạn sinh viên thì Aspire E1-571 có thể đáp ứng được. Được biết Acer đã triển khai chương trình khuyến mãi mùa tựu trường kéo dài từ ngày 1 tháng 8 đến hết ngày 31 tháng 8. Mức giá khuyến mãi dành cho Aspire E1-571 là 8 triệu 490 ngàn đã VAT. Trên trang Acer Việt Nam, Aspire E1-571 cũng có một phiên bản với 4 GB RAM nhưng chỉ cài sẵn hệ điều hành Linux. Vì vậy, phiên bản được cài sẵn Windows 8 64-bit mình nghĩ sẽ tốt hơn bởi giá mỗi bản quyền OEM cài sẵn cho máy tính khoảng 60 USD. Thêm vào đó, với phiên bản 64-bit thì bạn có thể nâng cấp RAM tùy theo nhu cầu sử dụng của mình dễ dàng hơn.

Theo quản điểm cá nhân mình, nếu cần một chiếc máy giá rẻ, thiết kế chắc chắn, vận hành mát mẻ và nhu cầu sử dụng không cao thì Aspire E1-571 sẽ là một sự lựa chọn hợp lý.

Video

Acer Aspire E1-571-6888 Unboxing
Acer Aspire E1-571 Review

Nhận xét biên tập viên

1 review
Đánh giá
Đánh giá tổng thể
 
3.1
Thiết Kế - Design
 
3.5
Tính Năng - Feature
 
3.0
Hiệu Suất - Performance
 
2.5
Thời Lượng Pin - Battery Life
 
3.5
Dịch Vụ & Hỗ Trợ
 
3.0
Theo quản điểm cá nhân mình, nếu cần một chiếc máy giá rẻ, thiết kế chắc chắn, vận hành mát mẻ và nhu cầu sử dụng không cao thì Aspire E1-571 sẽ là một sự lựa chọn hợp lý.

Ưu và Nhược Điểm

Ưu Điểm
+ Thiết kế chắc chắn;
+ Màn hình to, chất lượng hiển thị khá;
+ Thời lượng pin lâu;
+ Giá rẻ, được cài sẵn Windows 8 64-bit
Nhược Điểm
- Loa nhỏ;
- Layout phím chật chội;
- 2 GB RAM hơi "đuối" đối với Windows 8 64-bit.
Tố cáo đánh giá này Bình luận (0) | Nhận xét này có hữu ích cho bạn không? 0 0

Nhận xét người dùng

Chưa có đánh giá nào cho mục tin này.
Đã có tài khoản? hoặc Create an account