Toshiba Qosmio X75: thiết kế mới, cấu hình mới, loa hay
HotThông tin sản phẩm
Cấu Hình Chung
Cùng với sự xuất hiện của thế hệ vi xử lý Intel Haswell, hãng điện tử Nhật Bản - Toshiba đã đồng loạt nâng cấp cho các dòng máy trọng điểm như Satellite S40 Series, Satellite P-Series và gần đây nhất là dòng máy chơi game Qosmio X70 Series. Nếu như các mẫu Qosmio trước đây đều có tên 3 số như X770 (Sandy Bridge), X870 (Ivy Bridge) thì với X70 Series chạy chip Haswell, cách đặt tên đã được rút gọn theo xu hướng mới của Toshiba
Thiết kế:
Toshiba Qosmio X75 thừa hưởng khá nhiều đặc điểm thiết kế từ người tiền nhiệm X870. Toshiba vẫn giữ lại chất liệu nhôm hoa văn Black Widow cho mặt ngoài nắp máy và nội thất. Tuy nhiên, như đã nói ở trên với ngôn ngữ thiết kế Skyline mới thì X75 có thiết kế tổng thể dạng chữ U, tương tự Satellite P50. Thiết kế này khiến chiếc máy trông thanh thoát và hiện đại hơn so với kiểu dáng cục mịch của X870. Thêm vào đó, logo Qosmio có đèn nền đỏ đã được chuyển xuống góc dưới chứ không nằm chính giữa nắp máy như phiên bản trước.
Giữa nội thất là bàn phím không khung (frameless) giống X770 và X870. Mình luôn đánh giá cao bàn phím của dòng Qosmio và với X75, trải nghiệm gõ phím vẫn được bảo toàn. Các phím cách nhau khoảng 2 mm, hành trình phím vừa phải và layout rất hợp lý. Các phím điều hướng mặc dù được làm hơi nhỏ nhưng vẫn dễ bấm. Và dĩ nhiên, bàn phím cũng có đèn nền backlit màu đỏ đặc trưng của dòng Qosmio.
Phía trên bàn phím là hệ thống loa Harman/Kardon với nút nguồn được tích hợp chung vào một bề mặt lưới, hoàn thiện khá tinh xảo. Bên dưới bàn phím là bàn rê đa điểm lớn, có độ nhạy cao với thiết kế chữ U, viền đỏ tương tự X870. Bàn rê được thiết kế dạng ClickPad, bạn có thể nhấn tại mọi điểm trên bàn rê và 2 nút chuột được làm chìm rất dễ bấm. Tuy nhiên, do bàn rê đặt lệch về bên trái phím Space nên khoảng trống để tay bị thu hẹp khá nhiều.
Màn hình & loa:
Về âm thanh, Qosmio X75 tiếp tục được trang bị công nghệ loa Harman/Kardon rất chất lượng. Âm thanh đầu ra lớn, chất âm chắc, rõ ràng dù mở tối đa âm lượng. Tuy nhiên, mình cảm thấy Harman/Kardon trên X75 có phần thua kém so với X870 hay X770. Âm bass không được sâu và đầy nội lực như các phiên bản trước.
Hiệu năng:
Chiếc Qosmio X75 mình mượn được có cấu hình như sau:
- CPU: Intel Core i7 4700MQ xung nhịp 2,4 GHz (TurboBoost 3,4 GHz)
- GPU: Intel HD Graphics 4600 + Nvidia GeForce GTX 770M 3 GB GDDR5;
- RAM: 16 GB DDR3;
- HDD: Toshiba 1 TB (5400 rpm) + SSD Toshiba 256 GB mSATA;
- ODD: Matshita Blu-ray (BD-RE).
Về CPU, Qosmio X75 được trang bị cùng một loại CPU với Satellite P50 - Intel Core i7 4700MQ. Đây là một con CPU Quad-core, cache 6 MB. So với một CPU Core i7 thế hệ 4 khá phổ biến khác là 4700HQ thì hiệu năng của cả 2 chỉ chênh nhau chút ít. Max TDP đều 47 W nhưng xung nhịp GPU tích hợp của 4700HQ là 1,2 GHz, cao hơn 4700MQ 1,15 GHz.
Với cấu hình trên, Windows Experience Index chấm cho hệ thống 7,0 điểm, dựa trên thang thấp nhất là hiệu năng đồ họa desktop và 3D. Đây là một điểm số khá cao trong dòng máy chơi game. Tuy nhiên, nếu so với ASUS G750JX-DB71 với CPU Core i7 4700HQ và card đồ họa GTX 770Mtương tự thì điểm hiệu năng đồ họa của Qosmio X75 lại thua 0,6 điểm.
Mình cũng đã cho máy thực hiện một số bài benchmark để đánh giá khả năng xử lý. Thông thường, mình sử dụng 3 bài thử là 3DMark 11 v1.0.5, 3DMark 11 2013 và PCMark 7. Tuy nhiên, đáng tiếc là 3DMark 11 2013 không thể thực hiện vì lỗi chưa tương thích driver. Vì vậy, mình chỉ đưa ra kết quả so sánh 3DMark 11 v1.0.5 và PCMark 7.
Để so sánh, chọn ra 3 chiếc máy chạy Haswell có card rời khác là ASUS N550JV (Core i7 4700HQ, Nvidia GT 750M, 8 GB RAM, HDD); ASUS G750JX-DB71 (Core i7 4700HQ, Nvidia GTX 770M, 16 GB RAM, SSD + HDD) và Toshiba Satellite P50 (Core i7 4700MQ, NVidia GT 745M, 8 GB RAM, HDD).
3DMark 11 v1.0.5:
Ở chế độ test Performance, Qosmio X75 đạt 5108 điểm, khá ngang bằng so với ASUS G750JX-DB71 mặc dù được trang bị CPU cao hơn và cùng GPU. Cũng từ bảng so sánh này, chúng ta có thể thấy sự chênh lệch về sức mạnh giữa 2 dòng GPU Nvidia GTX cao cấp và GT tầm trung. 2 chiếc máy còn lại là ASUS N550JV và Toshiba Satellite P50 lần lượt sử dụng GPU Nvidia GeForce GT750M và GT745M. Hiệu năng đồ họa của 2 con GPU này chỉ bằng 1 nửa so với GTX của ASUS G750JX và Qosmio X75.
PCMark 7:
Với bài test PCMark 7 chế độ PC Suite và Lightweight kiểm tra hiệu năng toàn hệ thống, điểm số giữa Qosmio X75 và ASUS G750JX-DB71 1 lần nữa sát nút: 6152 và 6115 điểm. Cả 2 chiếc máy này đều chạy 2 ổ cứng trong đó có 1 ổ SSD cho tốc độ truy xuất nhanh, cùng 16 GB RAM và card đồ họa GTX 770M. ASUS N550JV và Toshiba Satellite P50 lại bị bỏ khá xa do sử dụng card đồ họa thấp hơn, dùng ổ HDD cơ học và RAM cũng chỉ bằng 1 nửa.
Nhờ ổ cứng SSD, tốc độ truy xuất dữ liệu trên Qosmio X75 rất nhanh. Kết quả benchmark ổ cứng bằng CrystalDisk Mark cho thấy tốc độ đọc của SSD là 490 MB/s trong khi tốc độ ghi là 454 MB/s. Nếu so với ổ HDD cơ học truyền thống 5400 rpm như của Toshiba Satellite P50 thì tốc độ này nhanh hơn gấp 5 lần. Vì vậy, việc trang bị SSD đã giúp Qosmio X75 phát huy tối đa sức mạnh của một cỗ máy chơi game.
*Thử nghiệm chơi game trên Qosmio X75 với Crisis 3 cho thấy ở cấu hình SMAAx2 thì hệ thống vẫn đảm đương khá tốt, khung hình không giảm nhiều và vẫn có thể chơi mượt mà. Do thời gian mượn máy không được lâu nên mình không thể thử nghiệm thêm các game nặng khác.
Qosmio X75 được trang bị pin 8 cell 47 Wh tương tự X870. Sử dụng để lướt web, làm việc bình thường, nghe vài bài nhạc, độ sáng màn hình 70 - 80%, chế độ pin Eco thì pin của máy có thể trụ được trong khoảng 3 tiếng rưỡi. Nếu để ở chế độ Balanced thì pin chỉ gần 3 tiếng. Khi chơi game thì mình cắm nguồn để đạt được hiệu năng cao nhất.
Về nhiệt độ, Qosmio X75 khá nóng như tông màu đỏ của nó. Tại khu vực để tay bên phải, nó sẽ nóng rõ rệt nếu bạn chơi game nặng và hơi ấm nếu bạn làm việc bình thường. Thêm vào đó, với thiết kế khe tản nhiệt đặt bên cạnh phải, hơi nóng sẽ trực tiếp phà thẳng vào tay cầm chuột khi chơi game. Đây là một thiết kế bất tiện "kinh điển" của dòng Qosmio mà đến nay vẫn chưa được Toshiba thay đổi. Thêm vào đó, các khe hút khí được đặt rải rác trên mặt dưới nhưng đệm nâng đáy máy không đủ cao để luồng khí được lưu thông một cách tốt nhất. Vì vậy, tình trạng nóng sẽ càng nóng hơn nếu các khe này bị che khuất. Nếu đặt trên đế tản nhiệt hoặc nâng đáy máy lên một chút thì vấn đề sẽ được giải quyết đáng kể.
Kết luận:
Với thời gian sử dụng máy chưa đến 1 ngày nên mình không thể đánh giá nhiều về Qosmio X75. Tuy nhiên, qua những thông số benchmark và trải nghiệm thực tế thì không thể phủ nhận Qosmio X75 là một trong những chiếc laptop chơi game có cấu hình tốt nhất hiện nay. Thiết kế của X75 được đổi mới, đẹp hơn và nhẹ hơn so với X870 (3,3 kg so với 3,42 kg). Cấu hình cũng được nâng cấp đáng kể. Tuy nhiên, mình cảm thấy hơi tiếc khi màn hình 3D không còn được trang bị trên X75. Với những phiên bản Qosmio X Series trước đây như X770, X870 thì trải nghiệm 3D trên máy rất tuyệt vời. 3D vẫn là một tính năng gây sức hút đối với Qosmio X Series và việc không dùng 3D sẽ khiến Qosmio mất đi một ưu thế cạnh tranh so với ASUS G-Series hay Alienware.
Phiên bản Qosmio X75-A7298 mình vừa đánh giá có giá chính thức từ Toshiba Mỹ là 1799,99 USD. Đây là một mức giá rất cạnh tranh so với ASUS G750JX. Quyết định của bạn chỉ còn ở ngoại hình và thương hiệu.
Nhận xét biên tập viên
Ưu và Nhược Điểm
+ Màn hình đẹp, góc rộng, loa hay;
+ Cấu hình cao;
+ Giá cạnh tranh.
- Khá nóng tại khu vực nghỉ tay;
- Không còn tùy chọn màn hình 3D.
Nhận xét người dùng
-
{{#owner}}
-
{{#url}}
{{#avatarSrc}}
{{/avatarSrc}} {{^avatarSrc}} {{& avatar}} {{/avatarSrc}}{{name}} {{/url}} {{^url}} {{#avatar}} {{& avatar}} {{/avatar}} {{name}} {{/url}} - {{/owner}} {{#created}}
- {{created}} {{/created}}