N550JV - laptop giải trí với CPU Haswell mới nhất của ASUS

Hot
 
3.6
 
0.0 (0)
3550 3 1 0
Z Updated

Thông tin sản phẩm

Series
N
Model
N550JV
Bảo Hành
12

Cấu Hình Chung

CPU Type
Intel Core i7 x 2.4Ghz
Tốc độ CPU
2.4Ghz
Dung Lượng Bộ Nhớ
8GB
Dung Lượng Ổ Cứng
750GB
Card Đồ Họa
Nvidia GeForce GT 750M
Bộ Nhớ Đồ Họa
Chia Sẽ
Kích Thước
x x

ASUS có khá nhiều dòng sản phẩm hướng đến nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Trong đó, N Series là dòng máy tính giải trí đa phương tiện khá thành công của ASUS với cấu hình cao, công nghệ âm thanh Bang & Olufsen (B&O) chất lượng và giá thành hợp lý.

Sau N56VZ - model chạy Ivy Bridge được khá nhiều người dùng ưa chuộng thì hôm nay, mình xin gởi đến các bạn bài đánh giáN550JV - phiên bản mới nhất của N56VZ với CPU Intel Haswell. So với N56VZ, N550JV được cải tiến khá nhiều về thiết kế và cấu hình. Qua bài đánh giá này, hy vọng các bạn sẽ có được sự lựa chọn cho mình nếu cần một chiếc laptop giải trí, cấu hình đủ cao để xử lý đồ họa, chơi game với mức giá chấp nhận được hay chỉ đơn giản là xem xét khả năng nâng cấp từ N56VZ lên N550JV.

Thiết kế tổng thể, bàn phím/bàn rê, cổng kết nối:

N550JV_Overall.
 
N550JV là một chiếc máy đẹp theo cảm nhận của cá nhân mình. Mới nhìn qua, bạn sẽ dễ dàng nhận ra đây là một thiết kế của ASUS bởi chất liệu nhôm phay xước đặt trưng ở nắp máy. Tuy nhiên, lớp vỏ này có màu xám tro thay vì đen như N56VZ. Đây cũng là tông màu được ASUS sử dụng phổ biến hiện nay trên những dòng máy nhôm nguyên khối như Zenbook hay máy tính bảng VivoTab. Chính giữa nắp máy là logo ASUS có đèn nền - tương tự N56VZ và cũng là đặc điểm phân biệt giữa N Series và S Series. Rìa trên của nắp máy được làm hơi cong trong khi 2 rìa bên lại vát thẳng. Thiết kế cong của rìa trên sẽ tạo khoảng trống để bạn đặt ngón tay vào khi mở màn hình ra mà không cần đến một đường gờ mảnh hay lẫy gạt. Đây là một cách xử lý tinh tế của ASUS để bảo toàn sự liền mạch trong thiết kế của N550JV.

Mặt trong nắp máy là màn hình 15,6" nằm lõm vào trong. Rìa màn hình 2 bên khoảng 1,8 cm và rìa trên dưới khoảng 2 cm. Theo xu hướng thiết kế hiện nay thì màn hình bên trong sẽ ngang bằng với rìa màn hình, tạo cảm giác màn hình to hơn và không viền. Tuy nhiên, N550JV không có thiết kế này bởi khu vực bàn phím bên dưới khá lồi và màn hình cần phải lõm vào trong để tránh bị cấn. Rìa trên màn hình là webcam và mic trong khi đối xứng bên dưới là logo ASUS mạ chrome bóng. Một điểm khác biệt nữa so với N56VZ là bản lề. Thay vì thiết kế bản lề 2 bên thì giờ đây bản lề của N550JV dạng thanh thẳng, tương tự bản lề của Zenbook hay S Series.

Nội thất của N550JV tiếp tục sử dụng chất liệu nhôm màu bạc cho cảm giác tiếp xúc rất thích thú. Lớp nhôm này được làm từ một khối duy nhất. Rìa máy bên trong được vát xéo, khá giống cách gia công của iPhone 5 hay HTC One.

N550JV_Keyboard.

Nằm giữa nội thất là bàn phím chiclet đầy đủ. Phím của N550JV có màu bạc, ngược với phím đen của N56VZ. Cá nhân mình lại thích màu đen hơn bởi qua thời gian sử dụng, bàn phím ít bẩn hơn so với màu bạc này. Layout phím được bố trí khá hợp lý với khoảng cách giữa các phím rộng, hành trình phím hợp lý khiến trải nghiệm gõ phím trở nên dễ dàng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, có một điểm mình chưa thích ở bàn phím này là các nút điều hướng được làm hơi tiết kiệm. Nút mũi tên phải được đặt cạnh phím 0 của Numpad. Trong khi đó, Numpad và khu vực phím chính được thiết kế khá tách biệt với một khoảng trống phân chia lớn. Vì vậy, để thao tác với nút mũi tên phải thì bạn buộc phải nhìn vào phím và mất thời gian để làm quen. Tương tự N56VZ, bàn phím của N550JV cũng có đèn backlit với 3 mức chỉnh độ sáng. Việc tùy chỉnh độ sáng đèn phím sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều tùy theo ánh sáng môi trường làm việc. Chẳng hạn như làm việc ban ngày thì tắt hẳn đi để tiết kiệm pin, làm việc trong phòng tối thì tùy chỉnh sao cho không chói mắt.
 
N550JV_Power.

Phía trên bàn phím là 2 nút tròn đối xứng với nhau ở 2 bên. Nút bên phải là nút nguồn còn nút bên trái để mở ASUS Console. Đây là một ứng dụng của ASUS cho phép bạn thiết lập âm thanh, thiết lập chế độ hiển thị màn hình, thông tin bộ nhớ, ASUS Cloud (WebStorage), chế độ pin, hoặc gán chức năng khác cho nút này. Xung quanh 2 nút tròn là họa tiết chấm bi tòa ra như sóng âm thanh. Rất tiếc đây chỉ là họa tiết chứ không phải loa của máy.

N550JV_Trackpad.

Bên dưới bàn phím là TrackPad lớn với kích thước đo được 10,5 x 7,3 cm. Đây là bàn rê dạng ClickPad và bạn có thể nhấn vào mọi điểm trên bàn rê đồng thời hỗ trợ các thao tác đa điểm cần thiết cho Windows 8 như vuốt từ 2 rìa, vuốt 3 ngón xuống để thu nhỏ tất cả cửa sổ và vuốt 3 ngón lên để mở giao diện đa nhiệm do ASUS thiết kế. Dưới bàn rê cũng tích hợp 2 nút chuột đặt chìm và phân tách bằng một dấu gạch nhỏ, khá dễ bấm. Khoảng trống để tay 2 bên bàn rê đủ rộng để bạn đặt thoải mái 2 bàn tay để thao tác.

N550JV_Left.
 
N550JV_Right. N550JV_Back. N550JV_Front. N550JV_Lead.

Chuyển sang các cạnh máy, bên trái N550JV có cổng nguồn, 1 cổng 2,5 mm để cắm loa Sub tặng kèm, 1 HDMI, 1 Mini DisplayPort, 2 USB 3.0 và 1 jack Audi 2-in-1. Bên cạnh phải là ổ DVD, 1 USB 3.0 nữa và khe đọc thẻ SD. Tại cạnh trước, gần bàn rê là 5 đèn tín hiệu được thiết kế khá tinh xảo. Các cổng đều được đặt nằm trong phần nhôm còn bên dưới N550JV vẫn có một nắp nhựa tương tự N56VZ. Vì vậy, độ dày của máy khoàng 2,7 cm. Với thiết kế này, N550JV vẫn không có cổng VGA mà thay vào đó là các cổng HDMI và DisplayPort. Mặc dù HDMI hiện đang rất được ưa chuộng nhưng VGA vẫn là cổng được sử dụng phổ biến trong môi trường văn phòng, trường học với các thiết bị trình chiếu. Thêm vào đó, mặc dù trang bị cho máy cổng mini DisplayPort nhưng ASUS lại không tặng kèm adapter chuyển đổi như Zenbook. Vì vậy bạn cần phải tìm mua thêm một chiếc adapter để khai thác cổng này.

Màn hình & loa:

N550JV_Sub.

ASUS N550JV được trang bị màn hình IPS 15,6" Full HD 1080p. Màn hình cho chất lượng hình ảnh rất tốt với màu sắc tươi sáng, độ chi tiết cao và góc quan sát rộng. Không giống như loại màn hình gương được sử dụng phổ biến trên những chiếc laptop giải trí, màn hình IPS của N550JV được phủ lớp chống chói, vì vậy bạn có thể sử dụng khá thoải mái khi ngồi ngoài trời hoặc dưới nguồn sáng trực tiếp.

Được biết N550JV có phiên bản cảm ứng và chiếc máy mình mượn từ ASUS thì không có. Mình chưa rõ với phiên bản cảm ứng thì thiết kế bản lề của máy có được gia cố hay không bởi với chiếc máy mình dùng, màn hình khá rung nếu thao tác mạnh với bàn phím.

N550JV_B&O.
 
Về âm thanh, N550JV tiếp tục được trang bị công nghệ âm thanh cao cấp Bang & Olufsen ICEpower và SonicMaster. Tương tự N56VZ, N550JV cũng được tặng kèm 1 chiếc loa Sub dùng với cổng 2,5 mm dành riêng. Tuy nhiên, N550JV có đến 4 loa tích hợp trong khi N56VZ chỉ có 2. Vì vậy, chất lượng âm thanh của N550JV có phần tốt hơn N56VZ với độ lớn về âm lượng, chi tiết và âm bass. Các loa tích hợp đều được thiết kế phía trước máy, âm thanh sẽ hướng thẳng vào người sử dụng. Ưu điểm của thiết kế này là người dùng có thể tận hưởng chất lượng âm thanh tối ưu khi ngồi trước máy. Tuy nhiên, âm thanh chỉ đi ra theo 1 hướng nên cảm nhận âm thanh sẽ khác với người ngồi xung quanh.

Để tăng cường trải nghiệm thì ASUS có cài sẵn ứng dụng Waves MaxxAudio, cho phép tùy chỉnh các chế độ âm thanh tùy theo hoàn cảnh sử dụng máy như nghe nhạc, chơi game, xem phim … Ngoài ra, bạn có thể tự điều chỉnh EQ bằng ứng dụng này.

Hiệu năng:

Là một chiếc máy tính giải trí, ASUS N550JV được trang bị cấu hình khá tốt với CPU Intel Core i7 thế hệ thứ 4, 8 GB RAM và card đồ họa rời Nvidia GT 750M.

Speccy.PNG
  • CPU: Intel Core i7 4700HQ, xung nhịp 2,4 GHz (TurboBoost lên 3,4 GHz);
  • GPU: Intel HD Graphics 4600 + Nvidia GeForce GT 750M 4 GB VRAM;
  • RAM: 8 GB DDR3;
  • HDD: WD 750 GB (7200 rpm);
  • ODD: ASUS DVD-RAM.
CPUBoss.PNG
 
Core i7 4700HQ là CPU lõi tứ thế hệ Haswell của Intel. So với ASUS N56VZ với CPU Intel Core i7 3630QM cùng xung nhịp thì 4700HQ của N550JV cao hơn đôi chút về hiệu năng hoạt động đa lõi và đơn lõi theo đánh giá của CPUBoss. Mặc dù đều được sản xuất theo quy trình 22 nm nhưng 4700HQ có mức tiêu thụ năng lượng 47 W, cao hơn so với 3630QM là 45 W. Biên độ nhiệt tối đa của 4700HQ cũng dừng ở 100 độ C trong khi 3630QM là 105 độ C.

Khác với N56VZ với nhiều tùy chọn CPU, N550JV chỉ được trang bị 1 loại CPU duy nhất, 3 phiên bản ổ cứng 1 TB (5400 rpm), 750 GB (5400 rpm) hoặc 750 GB (7200 rpm). Ngoài ra, tùy chọn ổ quang còn có Blu-Ray DVD Combo, và Blu-ray Writer.

WEI.PNG

Với cấu hình trên, Windows Experience Index cho N550JV 5,1 điểm dựa trên mốc điểm thấp nhất là hiệu năng đồ họa desktop. Các điểm khác như hiệu năng xử lý CPU, RAM đều đạt 7,9 điểm, hiệu năng đồ họa 3D và chơi game đạt 6,7 điểm và tốc độ truyền tải dữ liệu của ổ cứng đạt 5,9 điểm.

Dưới đây là điểm benchmark của một số chương trình khác như 3DMark 11 v1.0.5, 3DMark 11 2013 và PCMark 7 cùng kết quả so sánh với một số mẫu máy khác bao gồm: ASUS N56VB (phiên bản tương tự N56VZ nhưng cấu hình cao hơn 1 chút với Intel Core i7-3630QM, Nvidia GT 740M, 8 GB RAM, HDD); Toshiba Satellite P50 (Intel Core i7-4700MQ, Nvidia GT 745M, 8 GB RAM, HDD); HP Envy 17t (Intel Core i7-4700MQ, Nvidia GT 740M, 8 GB RAM, HDD).

3DMark 11 2013:

3DMark_11_2013_SS.PNG
 
Với bài test 3DMark 11 2013, N550JV đạt 60438 điểm cho nội dung Ice Storm (dành cho máy tính cấu hình thấp), 9130 điểm cho nội dung Cloud Gate (dành cho máy tính tầm trung) và 1495 điểm cho nội dung Fire Strike (dành cho máy tính hiệu năng cao và gaming PC).

So với các mẫu máy trên, N550JV có điểm số 2 bài test Cloud Gate và Fire Strike cao hơn và điều này cũng dễ hiểu do được trang bị Nvidia GT 750M đời cao hơn so với GT 745M hay GT 740M. Tuy nhiên, GT 750M vẫn là dòng card đồ họa tầm trung và hiệu năng của nó chỉ bằng 1 nửa so với dòng card GTX.

3DMark 11 v1.0.5:

3DMark_11_SS.PNG
 
Tương tự với bài test 3DMark 11 v1.0.5, nội dung test Performance (P), N550JV đạt 2587 điểm, cao hơn cả 3 đối thủ ASUS N56VB, Toshiba Satellite P50 và HP Envy 17t. Ngoài ra, mình cũng thử nghiệm hiệu năng của N550JV với nội dung test Extreme (X) và máy đạt 777 điểm, cao hơn Toshiba Satellite P50 với 746 điểm.

PCMark 7:

PCMark_7_SS.PNG
 
ASUS N550JV đạt 3511 điểm với bài test PCMark 7 gói test PCMark Suite cơ bản và 3492 điểm với gói test toàn diện gồm PCMark, Lightweight, Productivity, Entertainment và Creativity. Với mốc điểm 3511, N550JV qua mặt N56VB dùng Core i7 Ivy Bridge và HP Envy 17t. Tuy nhiên, điểm số này lại thua Toshiba Satellite P50 mặc dù cấu hình gần như ngang nhau. Mình cho rằng Satellite P50 dùng 2 thanh RAM 4 GB chạy Dual-Channel nên kết quả PCMark 7 tối ưu hơn so với N550JV với chỉ 1 thanh RAM 8 GB.

Là một chiếc máy giải trí nhưng với việc được trang bị card đồ họa tầm trung như GT 750M thì khả năng chiến game nặng của N550JV chắc chắn sẽ không bằng dòng chuyên game như ASUS G-Series. Vì vậy, N550JV có thể chơi được các game đòi hỏi cấu hình vừa phải và với các game nặng như Skyrim hay Crisis 3 thì vẫn chơi được nhưng với cấu hình Low để đảm bảo tỉ lệ khung hình đủ cao, không bị lag.

Pin & nhiệt:

ASUS N550JV được trang bị pin 4 cell không thể tháo rời. Thử nghiệm thời gian sử dụng pin như sau:
  • Chế độ Balanced: bắt đầu 2:27 PM (63%), làm việc với đủ các tác vụ, độ sáng 80%, Wi-Fi On, Bluetooth On kết nối với tai nghe, nghe nhạc liên tục từ web thì đến 3:48 PM, pin còn 10% báo sạc. Suy ra trong vòng 1 giờ 21 phút, N550JV mất 53% pin.
  • Chế độ PowerGear tự động kiểm soát năng lượng của ASUS: bắt đầu 2:59 PM (83%), làm việc với cường độ tương tự như trên nhưng nghe vài bài nhạc bằng loa ngoài, âm lượng 70% thì đến 5:54 phút, pin còn 6%. Suy ra trong vòng gần 3 giờ, N550JV mất 77% pin. Cũng ở chế độ này, để sạc đầy pin thì N550JV mất 2 giờ vừa sạc vừa dùng máy.
Từ 2 kết quả trên, có thể thấy pin của N550JV chỉ ở mức tầm 3 giờ nếu sử dụng với các tác vụ thông thường. Ở chế độ tải nặng như chơi game, độ sáng tối đa thì pin chỉ sống được khoảng 1 giờ. Là một chiếc máy giải trí, phù hợp với việc để 1 chỗ nhiều hơn di chuyển thì thời lượng pin này chỉ tương đối.

Về nhiệt độ, N550JV vận hành rất mát mẻ. Với biên độ nhiệt CPU chỉ 100 độ C, mình đã dự đoán N550JV sẽ mát hơn so với N56VZ. Nhờ thiết kế 2 quạt tản nhiệt và khe tản nhiệt đặt tại cạnh sau máy, hơi nóng được đưa ra phía trước nên không gây tình trạng nóng cục bộ. Sử dụng cả ngày làm việc ngoài trời, N550JV vẫn mát mẻ. Đây là một điểm ưu mà N550JV đã làm được so với những dòng máy giải trí cùng phân khú.

Tổng kết:

ASUS N550JV là một sự nâng cấp đáng giá từ N56VZ vốn được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù thiết kế chỉ đổi mới đôi chút nhưng N550JV vẫn tạo ra sự khác biệt lớn so với N56VZ. Thêm vào đó, với việc sử dụng CPU thế hệ mới và hệ thống loa được nâng cấp, N550JV sẽ là một sự lựa chọn hợp lý nếu bạn tìm kiếm một chiếc máy cấu hình tốt, giá chấp nhận được. Được biết N550JV vừa được bán ra thị trường với giá khoảng 26 triệu tại các đại lý của ASUS như laptopnew HCM và AviShop Hà Nội.

Video

ASUS N550 / N550JV review
ASUS Notebook N550JV Unboxing
Asus N550JV Touchscreen Laptop Product Showcase

Nhận xét biên tập viên

1 review
Đánh giá
Đánh giá tổng thể
 
3.6
Thiết Kế - Design
 
4.0
Tính Năng - Feature
 
3.5
Hiệu Suất - Performance
 
4.0
Thời Lượng Pin - Battery Life
 
3.0
Dịch Vụ & Hỗ Trợ
 
3.5
ASUS N550JV là một sự nâng cấp đáng giá từ N56VZ vốn được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù thiết kế chỉ đổi mới đôi chút nhưng N550JV vẫn tạo ra sự khác biệt lớn so với N56VZ. Thêm vào đó, với việc sử dụng CPU thế hệ mới và hệ thống loa được nâng cấp, N550JV sẽ là một sự lựa chọn hợp lý nếu bạn tìm kiếm một chiếc máy cấu hình tốt, giá chấp nhận được

Ưu và Nhược Điểm

Ưu Điểm
+ Thiết kế đẹp, vỏ nhôm;
+ Màn hình đẹp, góc nhìn rộng, chống chói tốt;
+ Loa B&O cho âm thanh chi tiết;
+ Bàn phím bàn rê tốt;
+ Cấu hình cao;
+ Vận hành mát mẻ cả ngày.
Nhược Điểm
- Thời lượng pin trung bình;
- Không cổng VGA;
- Nút điều hướng bố trí chưa hợp lý
Tố cáo đánh giá này Bình luận (0) | Nhận xét này có hữu ích cho bạn không? 0 0

Nhận xét người dùng

Chưa có đánh giá nào cho mục tin này.
Đã có tài khoản? hoặc Create an account