Sách giáo khoa điện tử Classbook
HotThông tin sản phẩm
Hiển Thị
Phần Cứng
Classbook - sách giáo khoa điện tử vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Vừa được NXB Giáo dục giới thiệu hồi tháng 6/2013, sản phẩm gồm một máy tính bảng 8-inch tích hợp nội dung số hóa của 12 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 với mục đích thay thế sách giáo khoa thông thường ở các cấp học. Tuy nhiên, ngoài tác dụng giảm trọng lượng chiếc cặp sách mà các em học sinh đang sử dụng hàng ngày, Classbook có gì hay mà các phụ huynh phải trả gần 5 triệu đồng để sở hữu nó?
Classbook đã được bán ra tại hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Hiện nay người dùng đã có thể đặt mua trực tiếp sách điện tử Classbook trên website của công ty CP sách điện tử giáo dục (EDC), đường dây nóng hoặc mua tại các cửa hàng được ủy quyền. Classbook được tích hợp sẵn bộ sách giáo khoa, bài tập từ lớp 1 đến lớp 12, sử dụng hệ điều hành Android đã được chỉnh sửa phù hợp với việc học tập của học sinh, chip xử lý lõi kép, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB và có khe cắm nhớ mở rộng microSD… và được bán với giá khoảng 4,8 triệu đồng.
Sau đây là những đánh giá nhanh của VnReview về sách giáo khoa điện tử Classbook.
Sách giáo khoa điện tử Classbook
Thiết kế và cảm nhận
Xét vào tổng thể bên ngoài thì máy có thiết kế khá đơn giản. Điểm nhấn duy nhất là hai đường viền sẫm ở cạnh trên và cạnh dưới nơi mặt sau gợi nhớ đến thiết kế từng có trên chiếc máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 8.9.
Classbook sở hữu màn hình 8.0 inch với tỉ lệ 4:3 tương đương với một quyển sách giáo khoa truyền thống. Đây chính là hướng bản lề trong thiết kế mà nhà sản xuất đã tính toán để các em học sinh có thể sử dụng một cách thoải mái tựa như những quyển sách giáo khoa bằng giấy thông thường.
Chỉ với một chiếc máy có trọng lượng 500g thay cho toàn bộ sách giáo khoa, sự nặng nề ở những chiếc balo sách vở hàng ngày các em phải mang theo trước đây được giảm đi đáng kể. Tuy vậy, so với đa số các máy tính bảng kích cỡ tương đương thì trọng lượng này không phải là nhỏ, thậm chí có phần hơi nặng. Nó cũng nặng hơn tương đối nhiều so với một quyển sách giáo khoa hàng ngày nên các em học sinh tiểu học cầm vào sẽ nhanh chóng bị mỏi. Chính vì vậy đi kèm với máy có thêm một cover bọc ngoài vừa có tác dụng bảo vệ máy, vừa có thể xoay và làm đế tựa để trên mặt bàn. Hơn nữa, case da này cũng giúp cho cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn khi máy "ở trần" bởi vì các cạnh của máy được vát nhẹ và mặt sau hơi trơn.
Chất liệu vỏ Classbook được làm bằng nhựa tương tự như những máy tính bảng "hàng Tàu" giá khoảng 2 triệu đồng đang bán trên thị trường, khi ấn vào mặt lưng máy hơi bị lún xuống một chút, gõ vào kêu bộp bộp cho cảm giác sản phẩm thấp cấp.
Mặt sau chiếc máy chúng tôi trải nghiệm được sơn xám nhũ giống như màu bạc trên xe máy. Logo của Nhà xuất bản Giáo dục cùng với tên máy, mã thiết bị (ID) được in khá rõ. Số ID này rất quan trọng trong việc xác nhận máy nhưng bạn không cần phải nhớ dãy ký tự loằng ngoằng này vì nó sẽ tự động được nhận diện khi kết nối với chương trình quản lý (Classbook Manager) cài trên máy tính.
Phía dưới bên góc trái có hàng lỗ nhỏ là nơi phát loa ngoài. Loa đặt ở vị trí lửng lơ làm máy mất đi tính đối xứng và dễ bị che khuất trong quá trình cầm nắm khi sử dụng, dẫn đến âm thanh không đến tai người nghe một cách tốt nhất. Ngay cả khi không bị che thì tôi thấy loa của máy cũng không được to cho lắm, âm bass nhỏ, đôi khi còn bị hiện tượng rè khi tăng volume lên hết cỡ.
Phần cạnh trên tỏ ra chật chội vì nó chứa hầu hết các cổng giao tiếp của Classbook, thiết kế này giống như nhiều máy tính bảng giá rẻ đang bán trên thị trường. Những cổng giao tiếp này không có nắp đậy nên dễ bị bám bụi và nhìn không thuận mắt cho lắm.
Cạnh trên từ trái qua gồm: khe cắm thẻ microSD, lỗ reset, giắc cắm sạc, cổng kết nối HDMI, cổng microUSB, lỗ mic, giắc cắm tai nghe….
Cạnh bên trái có nút bật nguồn và nút tăng giảm âm lượng
Với tôi, nút tắt/bật ở cạnh trái không thuận tiện trong thao tác. Nếu như đặt ở cạnh phải thì lúc dùng tay trái cầm máy và mở nắp case thì tay phải bấm vào nút này tiện hơn.
Cạnh phải không có khe cắm hay nút bấm nào
Cạnh đáy và các cạnh khác được bo tròn và khá trơn
Phần viền màn hình hơi to một chút nhưng là phù hợp để các em học sinh sử dụng tránh "chạm nhầm" khi cầm nắm. Màn hình của máy có mặt gương bóng loáng dễ bắt dấu vân tay, khi dùng nhiều sẽ bị hiện lên các vân vệt nhìn nhem nhuốc và khó lau sạch.
Nhà sản xuất cho biết màn hình có độ phân giải 1024 x 768 pixel, sử dụng công nghệ IPS cho màu sắc hiển thị trung thực, tự nhiên và góc nhìn rộng lên tới 178 độ. Tuy nhiên, việc dùng máy tính bảng thay cho sách giáo khoa chắc chắn ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng thị lực của học sinh. Trên thực tế khi chỉnh độ sáng lên hết cỡ tôi thấy chất lượng màn hình cũng chỉ ở mức trung bình khi dùng ở nơi có ánh sáng mạnh hoặc ngoài trời bởi độ sáng, độ tương phản và khả năng chống lóa là chưa tốt. Trong không gian phòng học hoặc trong nhà thì dùng ổn, đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi bóng lóa.
Màn hình 8 inch, tỉ lệ 4:3
Là một thiết bị học tập, máy không có webcam nhưng tôi nghĩ nên có thêm một chiếc bút cảm ứng để tiện việc tập viết, tập vẽ hoặc gạch chân dưới dòng của học sinh.
Hiện tại máy phải sử dụng thông qua phần mềm quản lý Classbook Manager cài trên máy tính (hỗ trợ Windows, chưa hỗ trợ Mac OS) để tải và quản lý nội dung. Sắp tới tính năng kết nối WiFi sẽ được mở ra để có thể tải trực tiếp nội dung từ kho sách.
Người dùng hiện chỉ có một lựa chọn duy nhất là mua thiết bị này cùng toàn bộ 12 bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12, nhà cung cấp không bán riêng sách cũng như không cho phép thiết bị nào khác sử dụng bộ sách này. Việc nội dung phải được dùng trên một thiết bị riêng biệt gây nghi ngại về tính độc quyền của Classbook. Các tính năng của một máy tính bảng hầu như bị khóa hết. Nếu người dùng Root và cài ROM khác thì nó sẽ không còn là Classbook nữa mà sẽ trở thành một chiếc máy tính bảng bình thường.
Mặt khác, mỗi chiếc máy được dùng cho một học sinh thì khi phụ huynh muốn dạy con học thì sẽ bất tiện, không lẽ phải mua thêm thiết bị? Một thiết bị không phải là cao cấp như vậy liệu có đủ độ bền để đi theo một học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 12?
Phụ kiện và bảo hành
Đi kèm với máy là bộ sạc, tai nghe, cáp kết nối microUSB, case da.
Tai nghe có dây mềm, chống rối và xấu về hình thức. Phần nhựa cầm vào có cảm giác thô ráp, nhẹ, chất lượng thấp. Thiết kế cũng không bo tròn vừa tai nên đeo vào cảm giác không thoải mái cùng với chất lượng âm tương đối thấp.
Lớp vỏ cover bằng da tổng hợp vừa giúp bảo vệ máy chống va đập vừa có thể xoay và làm điểm tựa để trên mặt bàn.
Máy bảo hành trong 12 tháng.
"Hệ sinh thái" và nội dung
Classbook tích hợp sẵn 310 quyển sách giáo khoa, bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 cùng hơn 20 ứng dụng hỗ trợ học tập. Nội dung sách giáo khoa đều phải đảm bảo chuẩn mực và tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Ngoài ra chúng được mã hóa để tránh bị sửa đổi lung tung và cũng không thể lấy nội dung này ra để sử dụng trên thiết bị khác được. Khi có tái bản hoặc cập nhật, máy sẽ nhanh chóng được tải về mà không tốn chi phí mua lại. Người dùng không phải lo về việc mất mát những quyển sách đã tải bởi ID của máy đã được xác nhận, khi máy bị hỏng hóc hoặc thay đổi máy khác nó sẽ tự đồng bộ lại.
Nội dung sách ở dạng file .pdf , tính năng xem sách tự động dàn chữ khi phóng to không có, dẫn đến bị hiện tượng tràn khung, mất 1 – 2 giây sau khi nhả ngón tay để máy đưa nội dung về độ phân giải cao nhất. Hiện tượng này không bị trên các máy đọc sách chuyên dụng như Kindle, Nook…
Phóng to nội dung bị tràn khung
Nội dung sách hát nhạc, tiếng Anh (từ lớp 3 đến 12), ngữ văn, được nhúng tính năng tương tác với người dùng hoặc những tính năng đa phương tiện như: phát ra loa, đọc. Ngoài ra người dùng còn có thể highlight, viết ghi chú, làm bài trắc nghiệm…
Máy cũng cung cấp sẵn bộ công cụ học tập gồm: từ điển, công cụ tạo thời khóa biểu, máy tính và sẽ tiếp tục được cập nhật trên kho Classbook Store…
…những cảm nhận về sử dụng
Một giao diện giá sách gỗ giống như iBook của Apple hiện lên khi bật máy. Trên giá sách là các loại sách giáo khoa được sắp xếp lần lượt theo các lớp học. Giá sách này luôn cố định theo chiều dọc mà không xoay ngang được, không cho phép phóng to nên đôi khi gây khó khăn khi tìm sách bởi có những sách tên nhỏ, chữ chìm màu nhưng nhãn lại khá giống nhau. Ví dụ: sách "Bài tập hóa học 8" có chữ "bài tập" màu trắng nhỏ, khó nhìn.
Người dùng có 2 cách để chuyển qua lại giữa các ngăn của giá sách: cách bấm vào cạnh viền hai bên (khoảng hỗ trợ chỉ rộng 1cm) hoặc bấm vào mũi tên ở hai bên thanh viền mờ phía dưới của màn hình hiển thị.
Ngoài 3 nút chức năng thường thấy trên hệ điều hành Android (nút Back, Home và nút tác vụ đang chạy chờ) cùng với các hiển thị trạng thái thời gian và mức độ pin thì giao diện giá sách của Classbook còn có 2 nút ở góc trên bên phải và 1 nút ở góc bên trái. Nút hình răng cưa ở góc bên trái là nút Cài đặt, người dùng có thể điều chỉnh độ sáng, bật tắt chế độ im lặng, bật tắt chế độ xoay màn hình, đặt thời gian sáng màn hình và thiết lập nhãn vở thông tin cá nhân. Nút hình cái kính lúp khi bấm vào sẽ hiện ra khung tìm kiếm sách có trong giá, chỉ cần bấm số 7 rồi bấm vào hình kính lúp bên dưới sẽ nhanh chóng hiện ra toàn bộ sách lớp 7 và những sách có tiêu đề chứa số 7… Bên cạnh nút này là nút có biểu tượng 3 gạch ngang. Nút này là một menu sổ xuống chứa tiêu đề sách lần lượt từ lớp 1 đến lớp 12 (bao gồm cả sách nâng cao) rồi đến ứng dụng học tập và sách thường dùng. Tôi thấy nút này rất hữu ích khi muốn di chuyển nhanh đến ngăn sách của từng lớp hoặc đến các ứng dụng cần dùng.
Quá trình sử dụng tôi thấy máy có một chút độ trễ khi mở hoặc lật nhanh những trang sách. Mở một quyển sách và zoom lên bạn sẽ thấy nó mất khoảng 2 giây để hiển thị ở trạng thái rõ nét. Khi sử dụng tính năng tìm kiếm sách, máy sẽ cho kết quả sau 1 đến 3 giây tùy nội dung tìm kiếm và kết quả được liệt kê dọc xuống, lướt ngón tay để kéo màn hình sẽ thấy máy hơi bị giật giật. Tôi dễ nhận ra điều này vì đã từng trải nghiệm nhiều máy tính bảng khác nhau.
Khả năng tương tác của máy với người sử dụng là một ưu điểm nhưng chưa hoàn thiện vì nó còn nghèo nàn. Khi mở một trang sách, người dùng chạm 1 lần xuống bề mặt trang sách sẽ hiện lên hai thanh công cụ ở trên và dưới. Thanh công cụ bên dưới gồm menu chính với các tính năng từ trái qua phải gồm: hình mũi tên lật trang về trước, nút trở ra giá sách, nút tương tác, nút thao tác chủ động, nút tính năng đa phương tiện, nút các ứng dụng khác và hình mũi tên lật trang tiếp theo. Nếu trang sách có nội dung tương tác hoặc nội dung đa phương tiện thì các nút này sẽ sáng lên như hình dưới, khi kích hoạt nó sẽ hiện một vạch vàng ở bên dưới, nếu trang sách không có các tính năng này thì các nút đó sẽ mờ đi.
Ví dụ trong sách nhạc lớp 1 có nhiều bài hát và mỗi bài hát thường được số hóa dưới dạng 2 trang sách với mục đích riêng. Trang 1 là tên bài hát, tác giả và lời bài hát được viết thành các đoạn như một bài thơ, bên dưới có ảnh minh họa. Khi sử dụng tính năng tương tác, bạn có thể chọn từng đoạn nhạc để nghe hát mẫu hoặc có thể bấm vào tiêu đề hoặc đoạn đầu tiên để nghe từ đầu. Trang 2 có bổ sung thêm khuông nhạc, nốt nhạc của những bài hát này và chức năng tương tác sẽ phát toàn bộ bài hát từ đầu chứ không thể nghe từng đoạn như trang 1 nhưng học sinh có hình minh họa và học thêm về nốt nhạc. Có thể tìm kiếm những nội dung liên quan đến nhạc sĩ hay các bài hát khác liên quan. Ở các trang nội dung đều có thể viết ghi chú.
Sách tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 được tích hợp nhiều giọng đọc chuẩn của người bản ngữ giúp tăng cường khả năng nghe, học sinh có thể tra nghĩa hoặc nghe phát âm của bất kỳ từ nào hoặc đoạn văn bằng cách chạm vào từ đó trên màn hình.
Với môn ngữ văn học sinh cũng có thể nghe giọng đọc chuẩn của giáo viên, tìm hiểu tiểu sử của tác giả, làm bài trắc nghiệm hoặc tìm hiểu qua hướng dẫn cảm thụ văn bản.
Ở sách ngữ văn lớp 6, những bài văn đôi khi được chú thích tiểu sử tác giả, có câu hỏi trắc nghiệm hoặc tài liệu tham khảo là giọng đọc của giáo viên, bài hát liên quan… và hướng dẫn phân tích cảm thụ văn bản.
Nói thêm một chút về những tương tác này: tiểu sử tác giả là những thông tin cơ bản về tác giả trong đó có cả hình ảnh minh họa, phông chữ hiển thị trong khung này (khung này khá nhỏ) là loại phông chữ mảnh, sát nhau, không phóng to được nên nhìn vào không rõ ràng, cảm giác hơi rối mắt. Những thông tin này chủ yếu được lấy từ Wikipedia.org và internet. Câu hỏi trắc nghiệm khi bấm vào sẽ hiện ra một frame với hiển thị câu hỏi hiện tại trong tổng số bao nhiêu câu hỏi, câu hỏi bên trên và bên dưới là những đáp án được làm dưới dạng trắc nghiệm, bên dưới là các tính năng: chuyển sang câu hỏi trước – sau, đáp án và kết thúc. Nếu bấm đáp án chương trình đưa ra đáp án chính xác của câu hỏi đó, nếu bấm kết thúc chương trình hiện thông báo xác nhận kết thúc, nếu ok thì hiện bảng kết quả làm bài của tất cả các câu hỏi trong bài đó – trong đó có hiển thị kết quả của bạn chọn là đúng hay sai và có chế độ xem lại từng câu hỏi.
Bài tập trắc nghiệm trên máy có thể được làm dưới một trong hai chế độ kiểm tra hoặc luyện tập giúp học sinh tự đánh giá mức độ hiểu bài cũng như giáo viên, phụ huynh có thể theo dõi kết quả trắc nghiệm này.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, khả năng tương tác và mutimedia trong nội dung sách còn ít. Những đầu sách cần có những nội dung này như: địa lý, sinh học, lịch sử… thì vẫn chưa có.
Thời lượng pin
Nếu dùng liên tục tôi thấy máy sử dụng được trong khoảng 7 tiếng, như vậy là đủ cho một buổi học ở trường, nếu học bán trú cả ngày thì cần phải sạc thêm.
Để sạc đầy pin cần khoảng 4,5 tiếng.
Dùng liên tục trong khoảng 1 tiếng, tôi thấy khu vực nóng nhất là ở cạnh viền bề mặt của góc trên bên phải màn hình, các khu vực khác ở bề mặt hầu như mát mẻ.
Kết luận
Đầu tư 4,8 triệu đồng cho một chiếc máy tính bảng được tích hợp thêm các nội dung giáo dục vẫn là quá đắt so với chi phí bỏ ra dành cho việc mua sách giấy và các dụng cụ học tập. Hơn nữa bên cạnh mức giá "chát" thì chất lượng thiết bị mới chính là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất. Chất lượng hiện tại của Classbook chưa thể khiến người dùng hài lòng.
Thiết bị hơi nặng so với học sinh tiểu học, nhất là các bé lớp 1, 2, nhưng lại hơi nhỏ và đơn điệu đối với học sinh cấp 3. Nên chăng nhà sản xuất cung cấp thêm các tùy chọn về thiết bị, cải thiện chất lượng thiết bị cũng như có thêm những gói ứng dụng cho phép người dùng lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với mình?
Nhận xét biên tập viên
Ưu và Nhược Điểm
+ Nội dung được mã hóa và kiểm duyệt
+ Một số môn học tương tác tốt với người sử dụng
+ Thời lượng pin khá
- Trọng lượng nặng
- Màn hình bị bóng, bám vân tay
- Chất liệu vỏ nhựa trông giá rẻ tiền
- Không tự động chỉnh độ sáng màn hình
- Màn hình cảm ứng kém nhạy, tỷ lệ hồi đáp chậm
- Không có 3G, wifi, không thể chép dữ liệu bên ngoài vào máy
Nhận xét người dùng
-
{{#owner}}
-
{{#url}}
{{#avatarSrc}}
{{/avatarSrc}} {{^avatarSrc}} {{& avatar}} {{/avatarSrc}}{{name}} {{/url}} {{^url}} {{#avatar}} {{& avatar}} {{/avatar}} {{name}} {{/url}} - {{/owner}} {{#created}}
- {{created}} {{/created}}