Nokia Asha 210: tính năng tốt, màn hình chưa ngon

Hot
 
2.8
 
0.0 (0)
3286 3 1 0
Z Updated

Thông tin sản phẩm

Series
asha
Model
Asha 210
Bảo Hành
12

Thiết Kế

Hệ Điều Hành
Series 40 DP1.1
Kích Thước
111.5 mm x 60 mm x 11.8 mm
Trọng Lượng
99.5g
Màu Sắc
  • Xanh Dương
  • Đen
  • Trắng
  • Đỏ
Chất Liệu Thân Máy
  • Nhựa

Hiển Thị

Kích Thước Màn Hình
2.4 inch
Độ Phân Giải (Rộng)
240
Độ Phân Giải (Cao)
320
Độ Phân Giải
240 x 320

Pin

Dung Lượng
1200 mAh

Phần Cứng

Bộ Xử Lý
, ,
Thẻ Nhớ
microSD
Dung Lượng Tối Đa
Lên đến 64 GB

Camera

Camera Sau
2MP

Khi Nokia ra mắt chiếc điện thoại phổ thông Asha 210, mình cảm thấy rất thích với nhiều lý do khác nhau, từ bàn phím QWERTY, kiểu dáng vuông vức, có Wi-Fi cho đến giá thành của máy rất dễ chấp nhận. 

Thế mạnh của Nokia là sản xuất dòng điện thoại phổ thông, và hãng cũng không ngại mang những đặc điểm của dòng điện thoại cao cấp để trang bị cho những chiếc máy có giá bán chưa tới hai triệu đồng. Nếu bạn đang có ý định sắm một chiếc điện thoại giá rẻ nhưng cũng có một vài tính năng thông minh thì đây, Asha 210 sẽ là một trong những lựa chọn đáng để bạn quan tâm.

Thiết kế

tinhte.vn-asha-210-01.


Theo nhận xét của mình thì trong những năm trở lại đây, Nokia đã bắt đầu chuyển sang một ngôn ngữ thiết kế mới mà ở đó, sự tối giản luôn được đề cao trong từng sản phẩm của họ. Bắt đầu từ dòng máy Lumia, những chiếc máy này luôn có ngoại hình rất đơn giản, tránh chi tiết thừa cho nên nó mang lại lợi điểm là ít có điểm xấu để bộc lộ. Nắm bắt phong cách đó, Nokia dần dần đưa lối thiết kế này vào những dòng máy phổ thông hơn, vốn là dòng sản phẩm thế mạnh của Nokia. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc máy Asha thông minh giá rẻ được giới thiệu gần đây nhưng lại có hình dáng rất giống những chiếc máy Lumia ở phân khúc cao cấp hơn, trong đó có Asha 210.

Mình thích thiết kế của Asha 210 với những đặc điểm như: dễ nhìn, dễ cầm và chất lượng hoàn thiện tốt. Đầu tiên, máy có thiết kế rất đơn giản, hình hộp khối và vuông vức. Đẹp hay không còn tùy vào sở thích của mỗi người nhưng trên hết là nó ưa nhìn, càng ít chi tiết thừa thì càng ít lộ điểm xấu hơn. Với chiều cao 60 mm, máy hơi ngắn nhưng cầm cũng khá vừa vặn trong lòng bàn tay. Ngoài ra, mặc dù có thiết kế vuông vức nhưng bốn cạnh của mặt dưới đều được bo tròn nhẹ ở phía viền nên không hề có cảm giác bị cấn tay, cho cảm giác cầm nắm khá dễ chịu.

Toàn bộ vỏ máy được làm bằng nhựa và chỉ gồm có 2 phần chính: tấm vỏ mặt lưng và toàn bộ phần vỏ còn lại. Phần khung ở các cạnh được làm liền lạc nên cũng giúp giảm bớt cảm giác rẻ tiền của một chiếc máy bằng nhựa, đồng thời tăng chất lượng hoàn thiện của chiếc máy đó lên.

Vì đây là một chiếc máy phổ thông nên… trọng lượng của nó rất nhẹ (thực tế đa phần là vậy) với chưa tới 100 gram. Và trọng lượng này được phân bổ đều lên tất cả mọi phía của chiếc máy nên bạn sẽ không có cảm giác phần đầu nặng hơn hay phần dưới nặng hơn. Điều này rất quan trọng đối với một chiếc có bàn phím QWERTY như 210 vì khi cầm máy và gõ bàn phím bằng hai tay, bạn sẽ không cảm giác thấy máy bị nghiêng hay đổ về một phía nào đó chỉ bởi vì phần đó chiếm nhiều trọng lượng hơn.

Ở mặt trước, chúng ta thấy có phím điều hướng 5 chiều ở chính giữa, 2 phím tắt, 2 phím thực hiện cuộc gọi và đặc biệt là 2 phím tắt tròn, nhỏ, có độ nổi cao nằm hai bên. Một phím dùng để mở nhanh ứng dụng Facebook còn một phím để kích hoạt nhanh Camera.

Bàn phím

tinhte.vn-asha-210-05.


Bàn phím QWERTY chính là thế mạnh lớn nhất của Asha 210, tuy là dòng máy phổ thông nhưng bàn phím này gợi cho mình nhớ lại chiếc Nokia E72 cao cấp một thời rất nhiều. Thứ nhất, hình dáng các phím không thay đổi, vẫn là kiểu phím hình chữ nhật, cao và nhô lên ở giữa nên dù cho các phím đặt sát nhau nhưng vẫn rất dễ tiếp cận được. Thứ hai là vị trí các biểu tượng đặc biệt (symbol) trên bàn phím hầu như không thay đổi nên mình vẫn có thể làm quen rất nhanh.

Với những đặc điểm đó, bạn phím này hoạt động khá tốt, mình vẫn có thể gõ nhanh được mà ít khi sai chính tả. Tuy nhiên, bàn phím của 210 vẫn tồn tại một số nhược điểm như phím cách (Spacebar) hoàn thiện kém, và bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian nếu muốn gõ các symbol liên tục.

Phím Spacebar dài bằng 4 phím khác cộng lại, về lý thuyết sẽ giúp dễ bấm hơn, nhưng bên dưới phím Space này dường như được chia thành 3 đoạn trái/giữa/phải cho nên càng bấm vào vị trí chính giữa phím thì bạn càng dễ gặp phải tình trạng là bấm một cái phát ra 2, 3 tiếng kêu ộp ẹp bên dưới. Mình không thích điều này vì cảm giác nó không chắc chắn chút nào.

tinhte.vn-asha-210-symbol.


Bạn có thể gõ nhanh các phím symbol có sẵn trên bàn phím bằng cách nhấn thêm phím mũi tên nằm ở góc trái bên dưới, không khác gì các máy có bàn phím QWERTY trước đây của Nokia. Nếu phím bạn cần không có sẵn thì nó nằm trong phím Symbol, nhấn vào đây thì một bảng các symbol sẽ hiện ra. Có một điểm chưa hay đó là các symbol thường dùng như dấu ngoặc thì lại nằm hơi xa về phía bên phải trong bảng Symbol nên mỗi lần tìm là bạn phải nhấn nút di chuyển hơi nhiều, nền tảng S40 cũng không có chức năng đưa các symbol hay dùng lên vị trí đầu tiên giống như S60 ngày xưa nên việc gõ các symbol trên 210 chưa được thoải mái cho lắm.

Màn hình
Asha 210 là một chiếc máy phổ thông nhưng thật sự màn hình của máy hơi tệ so với các máy Asha có cùng mức giá khác như Asha 301 hay 501... Cụ thể là màn hình quá bóng, đặc biệt là các mảng màu đen hay có màu tối, nó không phải bóng theo dạng phản chiếu như gương, bạn cứ tưởng tượng giống như có một lớp dầu nhớt trên mặt nước. Khi nhìn vào bạn sẽ thấy khó chịu vô cùng vì không thể nhìn rõ được những mảng màu đó trên màn hình. Mặc dù mình đã có gắng nhìn trực diện vào màn hình, không nghiêng ngả gì hết nhưng vẫn không cải thiện được tình trạng trên.

Camera
Ở điều kiện đủ sáng thì máy chụp hình OK, còn khi chụp trong nhà hay ở những nơi thiếu sáng thì máy sẽ cần nhiều thời gian hơn để chụp một bức ảnh, do đó hiện tượng mờ nhòe do rung tay rất dễ xảy ra.

Hiệu năng - Phần mềm
Asha 210 chạy trên nền tảng Series 40 vốn đã có từ rất lâu đời của Nokia. Nó không nhanh nhưng vẫn đáp ứng tốt được rất nhiều các nhu cầu của chúng ta. Dòng máy phổ thông Asha của Nokia có một thế mạnh đó là có thể truy cập được kho ứng dụng Nokia Store và cài đặt thêm phần mềm, giống như App Store của iOS hay Play Store của Android. Tuy nhiên kho ứng dụng này dường như không còn được chăm chút trong nhiều năm qua nên về mặt chức năng, nó không có gì mới mẻ và thậm chí hoạt động hơi... kỳ lạ. Sẽ có đôi lúc bạn bắt gặp một ứng dụng nào đó bảo là không tương thích với máy của bạn và không cho tải về, trong khi một máy Asha khác cũ hơn với cấu hình phần cứng tương đương nhau lại sử dụng được ngon lành.

tinhte.vn-asha-210-apps.


Nhưng bạn đừng lo, mỗi một máy Asha bán ra đều được Nokia cài sẵn khá nhiều phần mềm tiện ích, từ các game giải trí đơn giản cho đến các ứng dụng làm việc, mạng xã hội. Ví dụ như phần mềm email, Facebook, Twitter, WhatsApp và YouTube. Đối với phần mềm Facebook, tuy nó đơn giản nhưng cũng có đầy đủ các tính năng cơ bản như xem News Feed, kiểm tra Notification, kết bạn và kể cả up hình ảnh.

Việc Nokia trang bị thêm phím tắt Facebook trên bàn phím giúp cho ta có thể truy cập nhanh vào Facebook vào bất kỳ lúc nào. Chưa kể nữa là trong máy còn có sẵn một tính năng phụ nhưng rất hay đó là Notifications, cái này là của riêng Nokia làm chứ không phải nằm trong ứng dụng Facebook, mặc dù tính năng của nó là như nhau. Mỗi khi Facebook của bạn có thông báo nào mới thì chức năng này sẽ thông báo cho bạn biết ngay lập tức. Tất nhiên để chạy được thì máy bạn phải mở kết nối 2G hoặc Wi-Fi liên tục, và nó sẽ ảnh hưởng không ít đến thời lượng pin của máy.

Pin
Yếu cầu cơ bản nhất của một chiếc máy phổ thông đó là pin phải trâu. Với chiếc 210 này thì mình sử dụng nó như là một chiếc máy sơ cua, gắn 1 SIM, ít nghe gọi nhưng nhắn tin nhiều, nếu không bật chức năng Notifications nói trên thì máy có thể chạy được từ 5-7 ngày, tùy vào việc bạn gọi nhiều hay ít. Còn nếu bật Notifications lên (yêu cầu phải chạy Wi-Fi hoặc 2G liên tục) thì máy chỉ trụ được khoảng 3 ngày mà thôi.

Một điểm hơi buồn là máy không hỗ trợ sạc qua cổng micro USB mặc dù trên máy có cổng. Thay vào đó bạn phải sạc qua đầu sạc nhỏ giống như các máy giá rẻ trước đây của Nokia. Điều này khá bất tiện vì nếu bạn xài hai điện thoại thì đi đâu cũng phải mang thêm dây sạc riêng của 210, và khi hết pin bất chợt thì bạn cũng không thể dùng các loại pin sạc dự phòng để sạc cho 210 được, mà bắt buộc phải tìm ổ cắm điện cho nó.

Kết luận
Với giá bán khoảng 1,6 triệu đồng thì Asha 210 thật sự khá tốt ở tầm giá, tốt ở những điểm như bàn phím QWERTY, thiết kế dễ nhìn và được trang bị Wi-Fi. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của máy lại là màn hình, thứ mà chúng ta phải nhìn nó mỗi ngày và mỗi giờ. Nếu có ý định mua Asha 210 thì lời khuyên cho bạn là nên để ý màn hình xem có phù hợp với bạn hay không, nếu đó không phải là mối bận tâm thì Asha 210 hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu khác từ tốt đến rất tốt.

Video

Tinhte.vn - Đập hộp Nokia Asha 210
Nokia Asha 210 Review
Nokia Asha 210: first hands-on video

Nhận xét biên tập viên

1 review
Đánh Giá
Đánh giá tổng thể
 
2.8
Thiết Kế
 
3.5
Tính Năng
 
3.0
Hiệu Suất
 
2.0
Với giá bán khoảng 1,6 triệu đồng thì Asha 210 thật sự khá tốt ở tầm giá, tốt ở những điểm như bàn phím QWERTY, thiết kế dễ nhìn và được trang bị Wi-Fi. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của máy lại là màn hình, thứ mà chúng ta phải nhìn nó mỗi ngày và mỗi giờ. Nếu có ý định mua Asha 210 thì lời khuyên cho bạn là nên để ý màn hình xem có phù hợp với bạn hay không, nếu đó không phải là mối bận tâm thì Asha 210 hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu khác từ tốt đến rất tốt.

Ưu và Nhược Điểm

Ưu Điểm
+ Thiết kê đẹp, dễ nhìn
+ Bàn phím QWERTY dễ bấm
+ Có Wi-Fi
+ Có phím Facebook riêng, phím mở nhanh camera
Nhược Điểm
- Màn hình khó nhìn
- Không có 3G (chỉ có 2G)
- Không sạc qua cổng micro USB được
Tố cáo đánh giá này Bình luận (0) | Nhận xét này có hữu ích cho bạn không? 0 0

Nhận xét người dùng

Chưa có đánh giá nào cho mục tin này.
Đã có tài khoản? hoặc Create an account